Ngày 27/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Các báo cáo, tham luận cho thấy, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở các địa phương khu vực này đang giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với trung bình cả nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng chính xác, không lạm dụng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy sản xuất hàng hóa lớn thường là tư duy về số lượng. Nhưng khi chuyển sang tư duy kinh tế, còn một tham số rất lớn quyết định thu nhập của nông dân là chi phí vật tư đầu vào và giá trị chất lượng nông sản. Cả đầu vào và đầu ra cần tiếp cận mô hình mới, hướng đi mới.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam có 24.491 sản phẩm phân bón được lưu hành và 4.021 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng. Riêng số lượng các sản phẩm phân bón lưu hành tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 21,5% và số lượng tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật chiếm 31,24%.
Đồng bằng sông Cửu Long có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Các địa phương sử dụng phân bón nhiều gồm: Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình là 6,27 kg/ha gieo trồng, cao hơn so với trung bình cả nước khoảng 39,46%; riêng lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng cao hơn 71,9%. Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang là những tỉnh sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, trong những năm gần đây, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đã giảm dần qua các năm; đồng thời, lượng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng tăng. Tuy nhiên, cả phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long đều cao hơn trung bình cả nước.
Lượng phân bón hữu cơ trung bình ở khu vực này được sử dụng chỉ bằng 27,4% so với trung bình cả nước. Hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa cao. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật còn cao dẫn đến lãng phí vật tư, tăng chi phí đầu vào, dịch hại kháng thuốc, giảm hiệu quả phòng trừ...
Để tiết giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đại diện Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, cần tổ chức tập huấn cho cả nông dân và đại lý về kiến thức liên quan đến sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Thuốc bảo vệ thực vật sinh học là xu hướng tất yếu nên các chính sách khuyến kích sử dụng cần ưu tiên và cụ thể hơn. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu cắt giảm các điều kiện trong việc công nhận thuốc bảo vệ thực vật sinh học; giảm thuế nhập, thuế sản xuất trong nước. Đồng thời, bổ sung các chính sách hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân với mức từ 30-40%. Ngoài ra, việc nghiên cứu các sản phẩm phải có trọng điểm, tránh tràn lan rồi sản phẩm không đưa được vào ứng dụng.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An kiến nghị, cần hướng dẫn nông dân thu gom xác bã thực vật, chất thải trong chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ. Cùng với đó, có các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ thực chất, sáng tạo để nông dân cho thể học tập, dễ áp dụng.
Tại hội nghị, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vùng đều cho biết, các địa phương đang khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào thế hệ mới, thông minh, an toàn với môi trường… để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới trong khuyến nông, kể cả khuyến nông nhà nước và khuyến nông doanh nghiệp để hiệu quả đạt cao hơn. Mỗi mô hình đều có giá trị, sức lan tỏa lớn. Trách nhiệm của Bộ là cùng cộng đồng doanh nghiệp lan tỏa các mô hình và phổ biến hơn trong tương lai.
Bích Hồng