Tiền Giang xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng . Ảnh:Nguyễn Minh Trí - TTXVN |
Theo ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, để giúp bà con mới vào khai hoang lập nghiệp ổn định cuộc sống, địa phương chú trọng phát huy các tiềm năng kinh tế vùng Đồng Tháp Mười theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung mang tính hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường trong ngoài nước. Huyện hiện có vùng trồng lúa năng suất cao gần 6.400 ha, vùng trồng màu lương thực khoảng 600 ha chủ yếu là khoai mỡ, vùng trồng dứa xuất khẩu trên 17.000 ha, vùng trồng thanh long gần 1.000 ha, trên 160 ha chanh, trên 500 ha mít Thái siêu sớm…Hàng năm, Tân Phước đạt trên 30.000 tấn lúa hàng hóa, khoảng 5.000 tấn màu lương thực, khoảng 300.000 tấn dứa, trên 20.000 tấn thanh long và hàng chục ngàn tấn trái cây các loại khác đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, mang lại thu nhập lớn cho người dân vùng đất mới. Ông Nguyễn Văn Thật quê huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, quê cũ nghèo khó, thiếu tư liệu và đất đai canh tác, ông vào mua 2,3 ha đất hoang ở ven kênh Ông Địa thuộc xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước ngày nay. Có đất, ông khai hoang đưa vào trồng khoai, trồng rau màu, trồng dứa (khóm). Dịp Tết, ông còn trồng dưa hấu và đất đai không phụ công lao khó nhọc của vợ chồng người nông dân cần cù, chịu khó nên năm nào cũng cho những vụ mùa bội thu. Kinh tế khấm khá, ông tích lũy đầu tư mở rộng sản xuất, xây cất nhà cửa khang trang, tạo cơ nghiệp vững vàng. Hiện nay, sau gần 25 năm dựng nghiệp ở Đồng Tháp Mười, ông Thật sở hữu 10 ha đất sản xuất và được công nhận là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang trong nhiều năm liền. Nông dân Nguyễn Văn Bé Hai, cư ngụ tại ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước vốn quê ở xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy vào Thạnh Mỹ mua 1,5 ha đất dựng nghiệp với giá 15 triệu đồng (thời điểm 1995) để khai hoang, lên líp trồng dứa. Dứa là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười, chịu phèn, năng suất cao, đầu ra thuận lợi nhưng để đạt hiệu quả cần được ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh, chú trọng khâu làm đất đúng kỹ thuật, chọn giống tốt, trồng với mật độ vừa phải. Sau chu kỳ 3 năm thu hoạch, cải tạo trồng lại để bảo đảm năng suất, chất lượng dứa cũng như hiệu quả kinh tế. Nhờ cây dứa, cuộc sống gia đình ông Hai đã dần ổn định, thu nhập cao, có tích lũy đầu tư để mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, gia đình ông sở hữu hàng chục ha dứa tại xã Thạnh Mỹ, Tân Phước. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 500 – 700 triệu đồng. Nông dân Lê Văn Neo, vào lập nghiệp tại xã Tân Lập I, huyện Tân Phước lại chọn mô hình trồng chuyên canh thanh long ruột đỏ. Là cây trồng mới đối với vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười nên năm 2013, ông thử nghiệm 1 ha thanh long ruột đỏ. Thấy thành công, những năm sau ông đầu tư mở rộng diện tích và hiện nay sở hữu 3,4 ha thanh long ruột đỏ. Ông Neo cho biết, trong năm vừa qua, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi ròng 1,6 tỷ đồng, trở thành tỷ phú vùng Đồng Tháp Mười. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước Huỳnh Tấn Khoa, mặc dù điều kiện sản xuất, thủy văn, thổ nhưỡng không thuận lợi bởi đặc thù vùng Đồng Tháp Mười là bị hoang hóa trong thời gian dài lại không được khai thác, đất đai nhiễm phèn không thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa năng suất cao, cây ăn quả...; đã vậy lại chịu lũ lụt gây hại hàng năm. Đầu tư làm ăn đúng hướng, nhiều nông hộ đã nhanh chóng đổi đời, giàu có như các ông: Nguyễn Văn Thật (Thạnh Mỹ), Nguyễn Văn Bé Hai (Thạnh Mỹ), Lê Văn Neo ( Tân Lập I), Phan Văn Khanh (Thạnh Tân),… Theo Hội Nông dân huyện Tân Phước, tính trong 3 năm (2016 – 2018), huyện hiện có 18.283 nông dân được bình chọn nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi ba cấp; trong đó, cấp tỉnh có 1.154 nông dân. Đây là những hạt nhân trong phong trào nông dân làm giàu từ phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế vùng Đồng Tháp Mười. Nhờ vậy, giúp Tân Phước giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống mức 4,26%, 5/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Minh Trí