Một điểm tái định cư của đồng bào dân tộc ở xã Trà Nam, huyện Nam Trà My nằm bên cạnh đường bê tông nông thôn, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương. Ảnh: Đỗ Trưởng |
Để hàng ngàn hộ dân khu vực miền núi đang sinh sống trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối mặt với nguy cơ sạt lở và những hộ dân có bức xúc về nhà ở được di dời về nơi ở mới, tháng 4/2017, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND về Phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, mỗi hộ đồng bào được cấp ít nhất 200 m2 đất ở; hỗ trợ hơn 60 triệu đồng chi phí di chuyển nhà, san lấp nền nhà, nước sinh hoạt, kéo điện, làm đường xi măng; hỗ trợ về đất sản xuất…
Đồng bào dân tộc sinh sống ở thôn Pà Căng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang dựng nhà mới tại khu tái định cư. Ảnh: Đỗ Trưởng |
Đến với những khu tái định cư (TĐC) mới trên địa bàn huyện Nam Giang vào những ngày đầu tháng 7, dù mới thành lập nhưng dễ nhận thấy cuộc sống của đồng bào nơi đây đang dần ổn định. Tại khu TĐC của thôn Pà Căng, xã Cà Dy, nhiều ngôi nhà mới đang được dựng lên; hệ thống giao thông, điện, nước sạch cũng đã được xây mới; có đất sản xuất, đồng bào tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi... Việc triển khai Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND tại huyện Nam Giang không chỉ giúp địa phương có nguồn lực để sắp xếp lại dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần thay đổi diện mạo đời sống của đồng bào vùng cao. Nam Giang phấn đấu trong năm 2019, đưa được 730 hộ về nơi ở mới; đồng thời kết hợp nhiều nguồn vốn từ các chính sách khác để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tại những khu TĐC và hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất.
Những ngôi nhà gỗ truyền thống được đồng bào ở xã Trà My, huyện Nam Trà My vận chuyển đến nơi ở mới để dựng lại. Ảnh: Đỗ Trưởng |
Việc bố trí tái định cư gắn với khu vực sản xuất nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào. Ảnh: Đỗ Trưởng |
Đồng bào dân tộc ở thôn Pà Căng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang được sử dụng nước sạch tại khu tái định cư mới. Ảnh: Đỗ Trưởng |
Tại một số huyện khác như: Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang..., dù còn một số khó khăn như: thiếu vốn, đất sản xuất... nhưng việc thực hiện Nghị quyết luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của đồng bào vì đã góp phần giải quyết được vấn đề bức xúc lâu nay về đất ở. Cũng nhờ thực hiện tốt công tác TĐC nên qua hai mùa mưa 2017, 2018, hàng trăm hộ dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã được an toàn. Với chủ trương thực hiện TĐC theo hình thức xen ghép, khi cần thiết mới san lấp mặt bằng xây dựng các khu dân cư tập trung, Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 2.500 hộ dân ở khu vực miền núi được sắp xếp chỗ ở và ổn định sản xuất.
Đỗ Trưởng