Tỉnh Kon Tum hiện có độ che phủ rừng khoảng 63%, cao nhất ở khu vực Tây Nguyên. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, dồi dào và cần được bảo vệ. Nhận thức rõ về điều này, những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thực hiện chính sách giao đất, giao rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân sinh sống trên địa bàn. Nhờ vậy, ý thức bảo vệ rừng của bà con nhân dân được nâng lên, giảm tình trạng phá rừng, góp phần giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gia đình ông Thưnh (sinh năm 1962, trú thôn Plei Weh, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) nhận bảo vệ 7,6 ha rừng từ năm 2014. Mỗi tuần một lần, ông lại vượt qua quãng đường khoảng 10km đường núi để đến được khu vực rừng nhận bảo vệ, xem xét các vị trí có khả năng xảy ra cháy để phát quang chống cháy. Đồng thời, kiểm tra khu vực rừng có bị xâm hại hay không.
Mỗi năm, ông Thưnh nhận được hơn 3 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này, ông sử dụng một ít vào việc chi tiêu trong gia đình, còn lại ông tích góp để mua dê nuôi sinh sản vào đầu năm 2020. Từ hai cặp dê ban đầu mua với giá 5 triệu, đến nay, ông đã phát triển đàn dê lên 20 con. Tháng 4/2021, ông đã bán được 8 con dê, thu về 20 triệu đồng.
“Số tiền bán dê tôi dùng một phần để trả nợ, mua sắm đồ đạc trong nhà và tiếp tục mua thêm một cặp lợn về nuôi. Bây giờ có đàn dê rồi nên hằng ngày, tôi và vợ thay nhau dẫn dê đi thả trong rừng được nhà nước giao quản lý, bảo vệ, kết hợp trông coi rừng, không cho các đối tượng xấu vào chặt cây hay đốt phá”, ông Thưnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, toàn xã hiện có 26 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia quản lý, bảo vệ rừng, với tổng diện tích gần 170 ha. Khi nhận quản lý, bảo vệ rừng, được tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền của cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, nhận thức của bà con nhân dân về việc bảo vệ rừng được nâng lên, không còn xảy ra tình trạng người dân vào rừng chặt cây, lấy gỗ. Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp bà con có động lực để quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên đi kiểm tra diện tích rừng được giao.
“Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng bà con trong xã đã tích góp để mua dê, mua cây giống, phân bón, phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 54 hộ năm 2017 xuống còn 33 hộ vào năm 2020. Hiện, xã đang tiến hành lập thủ tục giao gần 50 ha rừng cho cộng đồng thôn Plei Weh quản lý, bảo vệ để nâng cao thu nhập, phát triển sinh kế cho bà con”, ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết thêm.
Còn gia đình ông A HNgang (sinh năm 1976, trú thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) được giao quản lý, bảo vệ 30 ha rừng từ năm 2011. Hằng năm, ông đều nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, có năm được trên 20 triệu đồng.
Có ba người con đang tuổi ăn tuổi học, nên ngoài thời gian chăm sóc diện tích sắn, lúa, cao su của gia đình, vợ chồng ông thường xuyên lên thăm khu vực rừng được giao, phát quang chống cháy và phát hiện các trường hợp vi phạm lâm luật để báo cáo, xử lý kịp thời.
Mới đây, vào tháng 5/2021, ông và các hộ dân nhận quản lý, bảo vệ rừng thôn 11 đã phát hiện và bắt giữ ba đối tượng có hành vi phá rừng, giao cho chính quyền địa phương xử lý theo quy định của pháp luật.
“Số tiền nhận được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp cho gia đình tôi bớt khó khăn hơn, có điều kiện để nuôi các con ăn học, tái đầu tư sản xuất nông nghiệp. Gia đình tôi đã phát triển được 3 ha sắn, 6 sào lúa và một ít cao su, mang về khoản thu nhập ổn định. Năm 2020, gia đình tôi cũng đã xây được một căn nhà mới trị giá hơn 100 triệu đồng”, ông A HNgang cho biết.
Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho rằng, với việc nhận quản lý, bảo vệ và nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con nhân dân trên địa bàn xã đã xem rừng như tài sản của mình. Người dân cũng hiểu được những lợi ích của rừng, ý thức quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên.
“Toàn xã có 55 hộ dân nhận quản lý, bảo vệ khoảng 1.500 ha rừng. Các hộ dân tham gia được hưởng lợi tương đối nhiều, nhất là khi các công trình thủy điện trên địa bàn đi vào hoạt động. Từ số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân đã sử dụng cho sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình và phát triển kinh tế. Nhờ đó đến nay, 55 hộ dân này đã cơ bản thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định”, ông Đinh Ngọc Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có trên 3.400 hộ gia đình và 49 cộng đồng tham gia nhận quản lý, bảo vệ khoảng 384.000 ha rừng, chiếm 67% diện tích đất có rừng của tỉnh Kon Tum. Đến nay, Quỹ đã chi trả trên 26 tỷ đồng cho các cá nhân và cộng đồng là chủ rừng; gần 100 tỷ đồng cho các đơn vị nhận khoán do các công ty, Ủy ban nhân dân xã chi trả.
Theo tính toán, thu nhập hàng năm bình quân mỗi hộ gia đình khoảng 8,2 triệu đồng; mỗi cộng đồng dân cư thôn khoảng 89,7 triệu đồng. Đây là nguồn thu tương đối lớn so với thu nhập của các hộ gia đình sống trong rừng và gần rừng, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng, đảm bảo cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, huy động được đông đảo người dân tham gia bảo vệ rừng.
Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đều tổ chức 50 Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế.
Qua các buổi tập huấn, người dân thấy mô hình sinh kế nào phù hợp thì áp dụng, như tại xã Đăk Pxi của huyện Đăk Hà, xã Đăk Man của huyện Đăk Glei hay tại huyện Kon Rẫy, bà con đã phát triển các mô hình nuôi lợn sọc dưa, bò, dê, trồng mít thái…, bằng nguồn tiền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Nhờ đó, đời sống của bà con nhân dân ngày càng phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, ông Hồ Thanh Hoàng khẳng định.
Dư Toán