Thu hoạch cá tra thương phẩm được nuôi bằng mì gói, lòng gà tại gia đình ông Nguyễn Ngọc Pha, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Năm 2015, trong chuyến đi du lịch Thái Lan, ông Đặng Văn Phức, ở xã Tóc tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu biết đến cây mãng cầu (cây na) Thái. Với đặc tính trái to gấp từ 2-3 lần so với quả mãng cầu ta, ít hạt và có vị ngọt thanh, sau khi ăn thử thấy ngon và dai, ông Phức quyết định tìm mua giống mãng cầu thái về trồng thử trên mảnh đất vườn nhà. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên 300 gốc mãng cầu Thái của ông bị thối rễ và sâu bệnh, buốc ông phải chặt bỏ. Đến năm 2017, ông Phức quyết định mua giống trồng lại. Do đặc tính của loại cây này không phù hợp với vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu nên ông quyết tâm tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật trồng mãng cầu thái trên mạng Internet. Với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi của mình trên mạng Internet cộng với kinh nghiệm thực tế qua lần thất bại trồng đầu tiên, ông Phức đã thành công với kỹ thuật chiết ghép mãng cầu thái trên gốc mãng cầu ta. Đến nay, sau 2 năm trồng, hiện vườn cây mãng cầu thái 700 gốc đang cho trái bói (lứa đầu tiên). Theo ông Phức, mặc dù, cây mãng cầu thái khó trồng hơn so với mãng cầu ta, nhưng lợi nhuận kinh tế từ giống cây này lại cao gấp 2-3 lần so với mãng cầu thường, trong khi tuổi thọ trung bình của loại cây này từ 13-15 năm. Vì thế thu nhập mang lại rất ổn định cho người trồng.
Mãng cầu (na) Thái Lan cơm nhiều, hạt lép, vị ngọt thanh nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: traicaydungmap.blogspot.com |
Theo tính toán của ông Phức, với 700 gốc mãng cầu, bình quân ông thu khoảng 3 tấn, gía bán từ 100-120.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, vụ tết này dự kiến ông thu về gần 200 triệu đồng. Ông Đặng Văn Phức, xã Tóc tiên, thị xã Phú Mỹ cho biết thêm, “cây mãng cầu thái này khó trồng hơn mãng cầu mình, mùa mưa thì mãng cầu ta đậu trái rất nhiều, còn mãng cầu thái thì ít nhưng tôi thấy trồng rất kinh tế so với các loại cây khác, nếu nghịch mùa thì 1kg có giá trên 100.000/kg, có năng suất mà dễ bán, khách đến tận nhà mua”. Còn ông Nguyễn Ngọc Pha, ngụ ấp 4, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ đang thành công với mô hình nuôi cá thương phẩm bằng thức ăn từ mì gói và lòng gà nấu chín. Với cách nuôi sáng tạo này, thay vì phải tốn nhiều chi phí mua thức ăn cho cá bằng cám viên thì trung bình mỗi vụ nuôi ông Pha đã giảm được 50% chi phí thức ăn, lợi nhuận vì thế cũng tăng lên. Năm 2003, ông Nguyễn Ngọc Pha mua đất để đầu tư nuôi cá. Với 12ha đất ông Pha đầu tư 8 ao nuôi cá tra, cá trê và cá rô phi. Thời gian đầu, cũng như những hộ nuôi cá khác, ông Pha mua cám viên tổng hợp làm thức ăn cho cá. Sau khoảng 1 năm nuôi, nếu thuận lợi, cá không bị bệnh thì với giá 15-17.000 đồng/kg, trừ các chi phí ông thu về khoảng 100 triệu đồng. Còn những năm xảy ra biến cố do bệnh tật, thời tiết thì vụ nuôi năm đó ông Pha cầm chắc thua lỗ. Thất bại, thua lỗ nhiều nhưng ông Pha không bỏ cuộc, thay vì chuyển đổi mô hình, ông vẫn quyết tâm chọn nuôi cá. Với suy nghĩ táo bạo, ông đã thử nghiệm nuôi cá cho ăn bằng mì gói và lòng gà nấu chín. Trong quá trình nuôi, ông thấy cá nhanh lớn hơn hẳn, thời gian nuôi cũng được rút ngắn thay vì 1 năm thì nay chỉ còn 10 tháng là thu hoạch. Với khoảng 160.000 con cá giống, vụ nuôi này ông Pha thu hoạch gần 100 tấn cá, được thương lái thu mua với giá 17.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí nhân công, thức ăn, ông Pha thu về hơn 800 triệu đồng. Nói về sự mới lạ của mô hình, ông Nguyễn Ngọc Pha, hộ nuôi cá ở ấp 4, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ cho biết, ông đã nhiều năm nuôi cá thương phẩm, thời gian trước ông nuôi liên tục bị lỗ, nhưng năm nay thì thành công nhờ chọn hai loại thức ăn này cá vừa nhanh lớn mà lại sạch, dễ kiếm.
Hoàng Nhị