Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo ở Mường Chà

Bộ mặt nông thôn vùng cao Mường Chà (Điện Biên) ngày nay có sự đổi thay đáng kể với tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Ảnh: Xuân Tư
Bộ mặt nông thôn vùng cao Mường Chà (Điện Biên) ngày nay có sự đổi thay đáng kể với tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Ảnh: Xuân Tư

Những năm vừa qua, nhờ triển khai các mô hình kinh tế phù hợp và hiệu quả, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nơi vùng cao Mường Chà (Điện Biên) đã thực sự đổi thay, số hộ nghèo giảm mạnh...

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo ở Mường Chà ảnh 1Cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con cách chăm sóc dứa hướng đến tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Xuân Tư

Trước đây, đời sống đồng bào các dân tộc huyện biên giới Mường Chà rất khó khăn với gần 70% dân số là hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước qua các mô hình nông nghiệp như: trồng dứa, trồng dong riềng, nuôi ghép cá trong ao, chăn nuôi đại gia súc..., đời sống đồng bào đã được cải thiện nhiều, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn dưới 50% (năm 2020).

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo ở Mường Chà ảnh 2Với 350 m2 ao, gia đình bà Hạng Thị Dớ, người dân tộc Mông ở bản 36, xã Sa Lông được cấp 6 triệu tiền mặt để mua cá giống, thức ăn, thuốc thú y.... Ảnh: Xuân Tư

Nhiều năm nay, dứa được xem là cây trồng chủ lực, sản phẩm OCOP của huyện, giúp đồng bào xóa nghèo. Huyện đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng dứa, thành lập Hợp tác xã (HTX) giúp đảm bảo thị trường tiêu thụ, hỗ trợ người dân trồng và chăm sóc cây dứa theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện toàn huyện có trên 200 ha dứa. Theo ông Lê Văn Tâm, Giám đốc HTX Na Sang ở xã Na Sang: “Mỗi ha dứa hiện cho năng suất gần 20 tấn, thu nhập từ 120 - 160 triệu/ ha. Nhờ vậy, nhiều thành viên trong HTX đã có cuộc sống ấm no hơn trước rất nhiều”.

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo ở Mường Chà ảnh 3Từ chỗ làm nông nghiệp tự cung tự cấp, đồng bào dân tộc ở huyện vùng cao Mường Chà (Điện Biên) đã có thể từng bước tổ chức sản xuất hàng hóa. Ảnh: Xuân Tư

Bên cạnh cây dứa, mô hình nuôi ghép cá trong ao cũng đang được nhân rộng, giúp nhiều hộ đồng bào ở Mường Chà thoát nghèo. Điển hình như hộ bà Hạng Thị Dớ, người dân tộc Mông ở bản 36, xã Sa Lông. Từ 6 triệu đồng là vốn hỗ trợ của Dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo, bà Dớ mua cá giống, thức ăn, cải tạo ao… để nuôi cá chép, cá mè, cá rô phi. Thu nhập từ bán cá đã giúp gia đình bà Dớ thoát nghèo.

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo ở Mường Chà ảnh 4Bộ mặt nông thôn vùng cao Mường Chà (Điện Biên) ngày nay có sự đổi thay đáng kể với tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Ảnh: Xuân Tư

Cũng nhờ Dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo, nhiều hộ đồng bào ở xã Huổi Lèng đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc. Được hỗ trợ con giống, cách chăm sóc…, hộ ông Giàng A Dũng, người dân tộc Mông ở bản Huổi Toóng đã có đàn bò gần 20 con, thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Dũng cho biết: “Trước đây, khi chỉ làm nương rẫy, gia đình mình không dám nghĩ đến số tiền này!”.

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo ở Mường Chà ảnh 5Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà (Điện Biên) đi kiểm tra các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Ảnh: Xuân Tư

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các mô hình giảm nghèo thực sự đã đem lại cuộc sống mới cho nhiều hộ đồng bào DTTS nơi vùng cao Mường Chà. Trong thời gian tới, Mường Chà sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình kinh tế hay, tạo sinh kế cho đồng bào cũng như thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách giảm nghèo để chính sách đến thật gần với dân, phấn đấu giảm hộ nghèo từ 4 - 5%/năm.

Trần Anh - Xuân Tư

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm