Hiệu quả trong phòng, chống cháy rừng vào mùa khô ở Yên Bái

Hiệu quả trong phòng, chống cháy rừng vào mùa khô ở Yên Bái

Theo ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Yên Bái, mùa khô năm 2021 - 2022, trên địa bàn tỉnh Yên Bái không xảy ra vụ cháy rừng nào. Có được kết quả đó là do toàn tỉnh đã đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành các biện pháp phòng chống cháy rừng vào mùa khô.

Hiệu quả trong phòng, chống cháy rừng vào mùa khô ở Yên Bái ảnh 1Lực lượng Kiểm lâm triển khai kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực rừng bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cũng theo ông Giang, ngay từ đầu mùa khô năm 2021- 2022, Ban chỉ đạo chỉ đạo chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh đã ban hành ngay các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Việc chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng tỉnh, huyện, xã đến các chủ rừng được thực hiện tốt; phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội và chính quyền địa phương đã được duy trì thường xuyên nên việc xây dựng kế hoạch các biện pháp ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được thực hiện kịp thời.

Để chủ động phòng chống cháy rừng, tỉnh Yên Bái đã củng cố, kiện toàn kiện toàn 09 Ban chỉ đạo chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững cấp huyện và 155 Ban chỉ đạo cấp xã giai đoạn 2021-2025, với trên 2.500 thành viên. Đối với Ban chỉ đạo cấp huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng xã để cùng cấp uỷ và chính quyền cơ sở chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng, nhất là các xã vùng trọng điểm.

Nhằm phát hiện kịp thời các vụ cháy để có biện pháp tổ chức xử lý và huy động lực lượng phòng chống cháy rừng kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ, trong các trường hợp cháy lớn; thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng.

Các tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng hiện đã bố trí thường trực 24/24 giờ/ngày và theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để cảnh báo kịp thời cho các tổ chức và nhân dân sớm có những biện pháp chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. Ban Chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng tại các xã đã tổ chức cho các hộ dân tại các thôn, bản ký cam kết về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ rừng.

Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã tăng cường cán bộ về cơ sở phối hợp với chính quyền cơ sở để điều tra làm rõ nguyên nhân cháy rừng (nếu có xảy ra). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, các tổ chức và quần chúng nhân dân. Trong đó địa bàn các xã trọng điểm thường hay xảy ra tình trạng cháy rừng đã được đặc biệt quan tâm.

Tại huyện Mù Cang Chải, ông Trần Xuân Dưỡng, Hạt trưởng kiểm lâm huyện cho biết, công tác phòng chống cháy rừng ở huyện Mù Cang Chải gặp rất nhiều khó khăn như: diện tích vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng rất lớn, địa hình chia cắt, núi cao hiểm trở, dân cư sống trong vùng thưa thớt; kinh phí phòng chống cháy rừng còn hạn chế; điều kiện địa hình không cho phép sử dụng các trang thiết bị chữa cháy rừng hiện đại mà phải sử dụng các thiết bị thô sơ nên gặp nhiều khó khăn khi cháy rừng xảy ra. Mặt khác các vụ cháy rừng thường xảy ra vào buổi chiều tối hoặc, ban đêm vì vậy rất khó huy động đủ lực lượng để chữa cháy rừng.

Để công tác phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả Hạt Kiểm Lâm huyện Mù Cang Chải đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp chính quyền, các ban ngành từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho toàn thể cán bộ và nhân dân trong huyện.

Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống cháy rừng; trong đó, chú trọng thực hiện tốt phương châm : “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

Đặc biệt, UBND huyện Mù Cang Chải đã chủ động đầu tư xây dựng 70 chòi và lán tạm trên các triền núi cao tại các điểm xung yếu dễ xảy ra cháy rừng để dễ phát hiện cháy rừng trong mùa khô hanh. Tại các chòi canh lửa, vào mùa khô hanh, dưới sự quản lý, điều hành của Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã, thị trấn, các thôn bản đã cắt cử nhân dân tổ chức trực 24/24 giờ.

Khi phát hiện đám cháy người trực sẽ dùng kẻng báo động để lực lượng phòng chống cháy rừng và nhân dân nơi gần nhất tập trung chữa cháy. Cùng với việc xây dựng các chòi, lán canh lửa, năm 2022, UBND các xã, thị trấn huy động nhân dân tu sửa 282,2 km đường băng cản lửa phân chia ranh giới giữa các bản, các loại rừng để làm mới 14 km hệ thống đường băng cản lửa trong rừng giao khoán bảo vệ. Tu sửa, làm mới hệ thống, bảng biểu phục công tác quản lý bảo vệ rừng...

Còn ông Vũ Trọng Huân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho hay, Trạm Tấu là một trong những huyện thường xảy ra cháy rừng ở Yên Bái, vì vậy ngành chức năng và UBND huyện khoanh vùng 10 trọng điểm tại 26 khu vực thuộc 10 xã vùng cao có nguy cơ cháy cao. Lực lượng kiểm lâm huyện đã xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đến các xã... Nhờ đó, công tác phòng chống cháy rừng rừng tại Trạm Tấu đã đem lại hiểu quả thiết thực. Nếu như trước kia trên địa bàn thường xuyên xảy ra cháy rừng thì gần đây cháy rừng đã giảm hẳn cả về diện tích bị cháy và các vụ cháy rừng. Đặc biệt, mùa khô năm 2021 - 2022, trên địa bàn huyện không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý bảo vệ rừng, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chuyên môn với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh về công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật bảo vệ rừng vì vậy ý thức của người dân đã được nâng cao. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp trong phòng chống cháy rừng, lấy phương châm phòng là chính vì vậy trong những năm gần đây việc phòng chống cháy rừng ở Yên Bái đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh Yên Bái phấn đấu, giảm thiểu tối đa vê cháy rừng trong mùa khô năm 2022 - 2023.

Đức Tưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm