Hiệu quả triển khai đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Phú Thọ đạt hiệu quả bước đầu, góp phần làm thay đổi diện mạo các xóm, bản; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn…

vna_potal_hieu_qua_sau_10_nam_thuc_hien_chi_thi_40-cttw_cua_ban_bi_thu_tw_dang_trong_hoat_dong_tin_dung_chinh_sach_o_phu_tho_7469011.jpg
Mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm của anh Nguyên Văn Thanh, khu Ngọc Đồng, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn vay vốn từ tín dụng chính sách, đã tạo việc làm cho 5 – 7 lao động tại địa phương. Ảnh: Tạ Toàn – TTXVN

Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, sự chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ, huyện miền núi Tân Sơn được đầu tư 73 dự án hạ tầng thiết yếu gồm: Đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, nhà văn hóa ở 17 xã đặc biệt khó khăn, khu vực 2, khu vực 1 với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Toản, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, sau 3 năm triển khai, Chương trình đã đầu tư và đưa vào khai thác hơn 30 công trình bao gồm: 9 công trình đường giao thông nông thôn, 9 công trình nhà văn hóa và 2 tràn qua suối, một hệ thống kênh mương nội đồng. Các công trình được đầu tư đồng bộ góp phần phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

vna_potal_phu_tho_phat_trien_nganh_che_thanh_nganh_kinh_te_chu_luc_6842904.jpg
Huyện Tân Sơn có diện tích trồng chè lớn nhất của tỉnh Phú Thọ với diện tích hơn 3.800 ha, tập trung ở các xã Long Cốc, Văn Luông, Mỹ Thuận và Minh Đài. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Trong 2 năm (năm 2022 - 2023), Phú Thọ đã triển khai đầu tư xây dựng trên 120 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 26 công trình trường học… ở các xã, thôn thuộc khu vực miền núi, đặc biệt khó khăn. Các công trình đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng nông thôn miền núi, tạo cơ sở quan trọng để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2%.

Ngoài những kết quả đạt được, Chương trình cũng gặp một số khó khăn khi triển khai tại địa phương như: Tỷ lệ giải ngân đối với nguồn vốn sự nghiệp còn thấp. Một số dự án, tiểu dự án còn hạn chế ở khâu thực hiện; một số quy định về định mức hỗ trợ còn thấp, đối tượng quy định còn hạn chế... Nhiều dự án chưa giải ngân được nguồn vốn sự nghiệp mặc dù cơ chế, hướng dẫn đã ban hành đầy đủ…

vna_potal_78_nam_ngay_quoc_khanh_291945_-_292023_viet_nam_dat_duoc_nhieu_thanh_tuu_phat_trien_dang_tu_hao_6904081.jpg
Giờ học tin học của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Năm 2024, Phú Thọ phấn đấu 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 74,9% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...

Ông Cẩm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương rà soát đối tượng thụ hưởng thuộc dự án, tiểu dự án; xác định kinh phí, đề xuất phương án, đồng thời tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh dự án nếu phát sinh tăng hoặc giảm để đảm bảo các dự án được đầu tư hiệu quả. Đơn vị đề xuất trình Chính phủ cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của địa phương khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

Ban dân tộc tỉnh tiếp tục bám sát kế hoạch, chương trình và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn khảo sát, lập hồ sơ, thẩm định, đề nghị phê duyệt các dự án. Đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả chương trình; đảm bảo tính công khai, dân chủ theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong quản lý và sử dụng nguồn lực gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở…

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm