Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang giúp nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư
Những ngày cuối năm, gia đình bà Hoàng Thị Xinh (Khu 7, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập) có thêm niềm vui lớn khi được sống trong ngôi nhà mới khang trang, sạch sẽ từ hỗ trợ của Nhà nước và người thân. Gia đình bà Xinh thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, gia đình bốn người không có nhà để ở, phải đi ở nhờ, cuộc sống vô vùng khó khăn, thiếu thốn. Qua rà soát, gia đình bà được thụ hưởng chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), giai đoạn 2021 - 2025.
Bà Xinh chia sẻ, ngoài được hỗ trợ tiền xây nhà, gia đình bà còn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, khu dân cư, anh em dòng họ để xây mới căn nhà kiên cố rộng 90m2, kinh phí trên 100 triệu đồng. Có nhà mới vững chắc, các thành viên trong gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, cố gắng vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Khuyến, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Yên Lập cho biết, địa bàn huyện có trên 83% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 17 xã, thị trấn, trong đó chủ yếu là người Mường, Dao. Triển khai chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện; thông tin, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách, làm căn cứ để phê duyệt đối tượng thụ hưởng... Năm 2023, huyện Yên Lập thực hiện hai đợt rà soát, phê duyệt hộ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 70 hộ đặc biệt khó khăn theo Chương trình 1719. Hiện, một số hộ đã thực hiện nghiệm thu, hoàn tất các thủ tục để được nhận hỗ trợ xây nhà theo quy định.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, trên 17% dân số toàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào, trong đó có dự án hỗ trợ nhà ở cho người dân theo Chương trình 1719. Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ sự hỗ trợ, vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, giúp cho đồng bào an cư lạc nghiệp.
Thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào. Trong đó, thực hiện dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo chương trình, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đã được hỗ trợ xây dựng nhà mới, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt, góp phần giúp bà con giảm nghèo, là điểm tựa để người dân có thêm động lực, yên tâm phát triển kinh tế.
Ông Lê Tiến Quân, Phó Trưởng ban Dân tộc cho biết, thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đối với nguồn vốn sự nghiệp trung hạn, tỉnh được giao kinh phí thực hiện giai đoạn 2021- 2025 trên 102 tỷ đồng. Đến năm 2023, Phú Thọ đã thực hiện gần 53 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ đã được triển khai tại ba huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, trong đó năm 2022 thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 808 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 570 hộ. Năm 2023, thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 645 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 906 hộ; hỗ trợ xây dựng mới nhà ở năm 2023 cho 281 hộ.
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Theo Ban Dân tộc tỉnh, qua rà soát và giám sát, hiện nay, địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trong vùng thiên tai, có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét trên địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập có mong muốn sớm được sắp xếp, bố trí nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Đồng thời, đồng bào mong muốn nơi ở mới phải có đầy đủ hạ tầng điện, đường giao thông, cấp thoát nước… đảm bảo các điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa đạt được tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do Chương trình mới với nhiều dự án thành phần, nhiều bộ, ngành quản lý, hệ thống cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn rất nhiều, dẫn đến một số văn bản thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Toản, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã được phân bổ kinh phí thực hiện trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023 huyện chưa đủ căn cứ để triển khai. Nguyên nhân là do kinh phí hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển phải thực hiện theo quy định Luật Đầu tư công.
Nếu thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng công trình theo quy định, khối lượng hồ sơ quá lớn; chưa quy định rõ trường hợp địa phương còn quỹ đất nhưng các hộ có nhu cầu tự chuyển nhượng quyền sử dụng; chưa có văn bản hướng dẫn ủy thác đối với nguồn vốn sự nghiệp được giao để hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt. Dù đã phân bổ kinh phí thực hiện nội dung này, tuy nhiên, đến nay, huyện chưa đủ căn cứ để triển khai thực hiện.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tỉ lệ giải ngân chậm đối với nguồn vốn Chương trình 1719. Cụ thể, đối với Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, nội dung hỗ trợ nhà ở quy định cơ chế đặc thù trong hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách thuộc nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, không quản lý theo hình thức dự án đầu tư, tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công. Tuy nhiên, khi rút kinh phí để chi trả cho hộ đối tượng, do tính chất nguồn vốn giao là nguồn vốn đầu tư, Kho bạc Nhà nước yêu cầu mở mã số dự án đầu tư để thanh toán theo hình thức đầu tư. Do hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, khi mở mã số dự án không có Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt dự toán của dự án.
Ông Hồ Đại Dũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án thuộc Chương trình 1719, tỉnh đang kiến nghị với Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng có văn bản tháo gỡ những nội dung còn khó khăn, vướng mắc để các địa phương nhanh chóng thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc có cơ chế đặc thù đối với trường hợp sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình theo Quyết định 04/2023/QĐ-TTg.
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết và giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, trên 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Lâm Đào An