Một trò chơi trong giờ Tiếng Việt giúp các em học sinh hiểu bài, tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Trước đây, với học sinh Trường Trung học Phổ thông Lạc Long Quân (huyện Định Quán, Đồng Nai), bộ môn khoa học là những giờ học khô khan. Từ khi áp dụng phương pháp giáo dục STEM, các môn học này trở nên sinh động. Em Nguyễn Mạnh Hà, lớp 11A, Trường Trung học Phổ thông Lạc Long Quân cho biết, giờ Vật lý, giáo viên chia học sinh thành từng nhóm, hướng dẫn chúng em sử dụng vỏ chai nhựa, ống nhựa, dây cước, bọc nilon, keo dán ống nhựa. Từ những nguyên liệu này, chúng em vận dụng kiến thức đã học lắp ráp được tên lửa nước có thể bay cao hàng chục mét. Em thấy kiến thức Vật lý gần gũi với cuộc sống, khuyến khích em tìm tòi, sáng tạo, vận dụng kiến thức môn học để tạo ra những sản phẩm thiết thực... Đối với bộ môn xã hội, phương pháp giáo dục STEM cũng được áp dụng rộng rãi, nhờ đó những giờ học không còn nhàm chán. Học sinh được hóa thân vào những nhân vật, sự việc cụ thể để hiểu rõ vấn đề hơn. Em Vũ Nguyễn Trà My, học sinh Trường Trung học Phổ thông Lạc Long Quân cho biết, mới đây, trong tiết học môn Ngữ văn với chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, thay vì chỉ giảng dạy lý thuyết thông thường, cô giáo hướng dẫn chúng em chuẩn bị tiểu phẩm liên quan đến chủ đề của bài học như con tặng quà cho mẹ, các bạn nam tặng quà bạn nữ để trình diễn ngay trong giờ học. Sau mỗi tiểu phẩm, học sinh và cô giáo sẽ cùng thảo luận xem làm thế nào để thể hiện sự quan tâm, tình cảm của mình đối với mẹ và những người phụ nữ xung quanh mình một cách phù hợp, ý nghĩa nhất. Việc đặt mình vào chính nhân vật mình đang tìm hiểu giúp em hiểu sâu hơn nội tâm của nhân vật, hiểu rõ ý nghĩa câu chuyện mà tác giả muốn đề cập. Khi thực hiện tiểu phẩm, em hiểu được ngữ cảnh là gì, các nhân tố của ngữ cảnh, tiếp thu bài học một cách chủ động hơn.
Các em thực hành theo nhóm học cách làm thuốc trừ sâu không gây hại đến môi trường trong giờ Sinh học. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Cô giáo Đặng Thị Nở, Trường Trung học Phổ thông Lạc Long Quân cho biết, khi áp dụng phương pháp giáo dục STEM, trong mỗi bài học, học sinh được đặt trước những tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết. Muốn giải quyết tốt những tình huống đó, học sinh phải tự tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng kiến thức của các môn học liên quan, kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành, tạo ra sản phẩm trong cuộc sống. Quá trình giảng dạy, giáo viên luôn phải tự đổi mới phương pháp để phù hợp với tình hình thực tiễn. Mỗi tiết học, giáo viên phải tìm ra cách vận dụng, sắp xếp cụ thể để học sinh được trải nghiệm, từ đó giúp các em tiếp thu bài nhanh, chủ động hơn. Với học sinh Tiểu học, phương pháp giáo dục STEM được thực hiện thông qua các trò chơi, mô hình, tình huống mà giáo viên chuẩn bị trong tiết học. Học sinh sẽ cảm thấy các bộ môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học không còn quá xa lạ, khô khan mà trở nên trực quan, dễ hiểu, thu hút sự quan tâm của các em hơn. Em Trương Giáng My (Trường Tiểu học Phù Đổng, huyện Xuân Lộc) cho biết, trong các tiết học, thầy cô thường tổ chức trò chơi rất sôi động, từ đó liên hệ vào bài học giúp chúng em tiếp thu kiến thức rất nhanh. Khi được hoạt động theo nhóm, chúng em tự phân chia công việc, tích cực trao đổi, làm bài tập với nhau theo từng cặp.
Học sinh trường THPT Lạc Long Quân (huyện Định Quán, Đồng Nai) lắp ráp thành công những tên lửa nước có thể bay cao hàng chục mét trong giờ học Vật lý. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Cô giáo Tạ Thị Thắm, Trường Tiểu học Phù Đổng chia sẻ, trước đây học sinh, nhất là các em sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi rất nhút nhát, không dám nói lên suy nghĩ, quan điểm của bản thân. Từ khi đổi mới phương pháp học, các em tích cực tham gia, hợp tác và tương tác với nhau rất tốt. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, phương pháp giáo dục STEM là quá trình tích hợp kiến thức giữa các môn khoa học, kỹ thuật, toán học, công nghệ. Khi tiếp cận với phương pháp giảng dạy này, học sinh được trang bị kỹ năng về tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc theo nhóm, tư duy chiến lược và định hướng mục tiêu. Học sinh sẽ có khả năng tự quản lý, sắp xếp thời gian cho chương trình học của bản thân. Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết, từ năm 2016, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai phương pháp giáo dục STEM ở hầu hết các trường học thuộc các cấp học trong toàn tỉnh (hơn 500 trường). Phương pháp này đã phát huy hiệu quả, minh chứng rõ nét nhất là chất lượng các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật hay khoa học kỹ thuật của học sinh Đồng Nai ngày càng được nâng cao. Trước đây mỗi kỳ thi, toàn tỉnh chỉ có vài chục sản phẩm, dự án tham gia, hiện nay con số này đã tăng lên hàng trăm. Nhiều dự án, sản phẩm chất lượng, đoạt giải cao, có thể ứng dụng vào thực tiễn mà tác giả là học sinh đến từ các vùng nông thôn, miền núi. Để nâng cao hiệu quả phương pháp giáo dục STEM, ngành Giáo dục Đồng Nai đã tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các trường, đặc biệt là các trường ở vùng nông thôn, miền núi. Cùng với đó, ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, giúp giáo viên thay đổi tư duy dạy học từ phương pháp truyền thống sang sáng tạo trong các tiết học. Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tổ chức cho các trường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình giáo dục STEM; tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ, tăng cường hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh.
Lê Xuân