Hiện nay, tại tỉnh Đồng Tháp số vịt cò nuôi lấy trứng chiếm gần 90% số lượng vịt trong tỉnh và hằng năm cung cấp hơn 300 triệu trứng. Với giá trứng tăng cao 3.000 đồng/trứng, người nuôi lãi từ 1.000-1.500 đồng/trứng, giá trứng vịt tăng hơn 1.000 đồng/trứng so với tháng đầu năm 2022.
Tỉnh Đồng Tháp có tổng đàn vịt hơn 6,9 triệu con, nhiều nhất là vịt cò lấy trứng, nuôi theo mô hình vịt chạy đồng và nuôi vịt rọ. Tỉnh chọn huyện Tháp Mười và Tam Nông làm vùng sản xuất vịt hướng trứng. Các giống vịt của địa phương chủ yếu là các giống vịt TC (cổ cò). Bình quân nuôi vịt chạy đồng cứ 1.000 con mỗi ngày đẻ từ 500-700 trứng.
Anh Lê Văn Thìa, ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình cho biết, anh nuôi đàn vịt cò chạy đồng lấy trứng gần 3.000 con, hiện nay mỗi đêm thu về 1.500 trứng, giá thành mỗi trứng từ 1.000-1.500 đồng, với giá bán hiện nay là 3.000 đồng/trứng anh lãi hơn 1.000 đồng/trứng.
Anh Thìa cho biết, nhờ tận dụng vào nguồn thức ăn có sẳn trên đồng ruộng như: lượng thóc rơi vãi sau mỗi mùa thu hoạch, lúa chét trên đồng, lượng cá, tép, cua, ốc trên các kênh rạch, trên đồng thêm vào đó không phải đầu tư nhiều vào chuồng trại, làm giảm một phần đáng kể các chi phí đầu tư cho đầu vào trong chăn nuôi vịt, từ đó làm tăng lợi nhuận trong chăn nuôi vịt chạy đồng lấy trứng.
Ông Phạm Cao Sơn ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười với mô hình nuôi vịt rọ lấy trứng cho biết, mô hình nuôi vịt rọ (nuôi nhốt tại vườn nhà) đẻ trứng, nuôi với giống vịt cò, thức ăn là cám công nghiệp và không thả đồng.
Ông Sơn cho biết thêm, nuôi vịt rọ sau 6 tháng nuôi là thu hoạch trứng, ông nuôi 3.000 con vịt, bình quân mỗi ngày thu hoạch hơn 2.500 trứng, đặc biệt nuôi vịt rọ cho trứng to hơn và sạch hơn loại vịt thả đồng, bình quân mỗi trứng nuôi vịt rọ cân nặng 70-80 gam, trong khi đó nuôi vịt thả đồng mỗi trứng cân nặng 60-65 gam. Trứng vịt rọ bán được giá cao hơn vịt chạy đồng từ 200-300 đồng/trứng.
Điển hình ở huyện Tháp Mười, tổng đàn vịt nuôi an toàn sinh học hơn 73 nghìn con. Vịt nuôi rọ ở 3 tổ hợp tác được gần 100 nghìn con, trung bình hằng năm cho sản lượng hơn 20 triệu trứng. Ở huyện Tháp Mười, một trong huyện tiêu biểu của tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt, huyện đã tập trung phát triển nuôi vịt theo hướng sản xuất hàng hóa và xuất khẩu, đa dạng hóa sản xuất các sản phẩm như thịt, trứng thương phẩm cho thị trường nội địa, xuất khẩu mang thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Huyện Tháp Mười phát triển ngành hàng vịt dần dần khắc phục tình trạng phát triển tự phát và chăn nuôi nhỏ lẻ; vận động người nuôi thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Gắn kết chăn nuôi vịt với thị trường từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo phát triển bền vững.
Vịt cò ở cho trứng khi đạt 1,2-1,5 kg; vịt cho năng suất trứng cao từ 200-250 trứng/năm, trọng lượng trứng từ 60-70 gam; giống vịt cò có khả năng kiếm mồi rất giỏi, thích ứng tốt với khí hậu nhiệt đới.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp khuyến khích bà con thực hiện chăn nuôi với quy trình sản xuất tốt (VietGAP) nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở đó, từng bước xây dựng nhãn hiệu “Trứng Vịt Đồng Tháp”.
Ngành hàng vịt là một trong 6 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, vịt được nuôi theo mô hình chạy đồng và nuôi rọ. Các huyện nuôi vịt nhiều nhất tỉnh là huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình.
Mục tiêu đến cuối năm 2025, tỉnh Đồng Tháp có tổng đàn vịt đạt 8,77 triệu con; sản lượng thịt vịt xuất chuồng đạt 9.491 nghìn tấn; sản lượng trứng vịt hơn 390 triệu trứng.
Nguyễn Văn Trí