Đang làm Phó Chủ tịch UBND một xã vùng cao, nhưng với niềm đam mê với đồng ruộng, chàng trai trẻ Lương Văn Trường, sinh năm 1989, ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã quyết định trở về quê hương để gắn bó với cây lúa. Sau nhiều lần xuống giống lúa thất bại, Trường đã tự mày mò nghiên cứu ra sản phẩm hạt giống nảy mầm sẵn, sáng kiến này giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn bó với đồng ruộng.
Sáng kiến từ thất bại
Nhận thấy tình trạng bỏ hoang ruộng đất tại Nam Định ngày càng nhiều, năm 2016, sau khi xin thôi giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, chàng trai Lương Văn Trường trở về quê, thuê 7ha đất nông nghiệp tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực để khởi nghiệp cùng cây lúa. Với tấm bằng Cử nhân Công nghệ, Trường Đại học Đà Lạt cùng với kinh nghiệm 5 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp, Trường tự tin bắt tay thực hiện kế hoạch lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.
Dù vậy, khi bắt tay vào trồng lúa, Trường mới nhận ra những kiến thức học được trong trường và kinh nghiệm trước kia vẫn chưa đủ. Lương Văn Trường nhớ lại, vụ mùa năm 2018, sau khi vừa xuống giống được mấy ngày, trời mưa tầm tã, nước không kịp rút khiến toàn bộ giống lúa bị ngập thối hết. Sau đó anh tiếp tục ngâm giống để gieo lại song do không lường trước được mực nước, thời tiết… khiến cho 2 lần xuống giống tiếp theo cũng bị mất trắng.
Trường cho biết, do chỉ có một mình làm trên cả một cách đồng rộng lớn nên sau khi lứa giống lúa đầu bị hỏng, anh liền mua giống về ngâm để gieo tiếp cho kịp thời vụ mà không để ý đến thời tiết. Khi thóc đã nảy mầm, bắt buộc phải gieo ngay nếu không mầm sẽ quá dài, bị gãy và hỏng. Do thời tiết không thuận lợi, mực nước trong đồng sâu, lâu thoát khiến Trường không thể gieo hạt. Bất lực trước các lô giống được ngâm ủ rồi đổ bỏ, anh bắt đầu suy nghĩ tìm các giải pháp khắc phục.
Quá trình tìm hiểu, theo dõi, Trường phát hiện trong các lô giống bị hỏng vẫn có một số hạt có thể nảy mầm trở lại và phát triển bình thường. Tìm tòi, nghiên cứu thêm các tài liệu, Trường nhận ra rằng, các hạt mầm không hề chết mà chúng đang rơi vào trạng thái "ngủ đông" khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ sống trở lại. Từ đó, Trường tập trung vào nghiên cứu quy trình sản xuất hạt giống lúa đã nảy mầm sẵn để có thể sản xuất đại trà.
Sau khoảng 3 năm miệt mài nghiên cứu, áp dụng trên chính cánh đồng của mình, Trường đã cho ra đời sản phẩm hạt giống nảy mầm sẵn. Những diện tích được gieo sản phẩm này thì lúa phát triển bình thường so với các loại giống truyền thống, sản lượng tương đương, khả năng chống chịu sâu bệnh như nhau.
Sáng kiến của Lương Văn Trường đã giúp người nông dân thu nhiều lợi ích như: Không cần ngâm ủ giống, mua về có thể gieo trực tiếp luôn; chủ động thời gian, tránh được thời tiết bất lợi vì có thể để cả năm trời mà không ảnh hưởng đến chất lượng; mầm cây không bị gãy như mầm thóc truyền thống… Sản phẩm hạt giống lúa nảy mầm sẵn đã giúp Trường giành giải nhất Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Sáng tạo nhân lên từ thành công
Từ chỗ một thân một mình với 7ha ruộng, đến giữa năm 2021, Lương Văn Trường đã thành lập Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương với 7 thành viên, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất với diện tích lên đến 40ha tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh và Vụ Bản. Sản phẩm hạt giống nảy mầm sẵn của Trường cũng đang được các tập đoàn sản xuất lúa giống hàng đầu tại Việt Nam liên hệ hợp tác sản xuất.
Từ công nghệ sản này, Lương Văn Trường đã nảy ra ý tưởng sản xuất gạo mầm tươi, đây là loại hạt tươi chứ không phải hạt “chết” như những sản phẩm bình thường, vì thế sẽ có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại gạo truyền thống. Hiện các sản phẩm gạo mầm tươi của Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương đã được cung cấp ra thị trường và được đông đảo người tiêu dùng tiếp nhận.
Theo Lương Văn Trường, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm gạo mầm tươi, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị để tiếp cận được nhiều hơn nữa với người tiêu dùng; đồng thời, mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện để thuê lại những diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang cải tạo thành những cánh đồng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài các sản phẩm hạt giống nảy mầm sẵn, gạo mầm tươi, trong quá trình làm nông nghiệp, Trường đã sáng chế các giải pháp như: Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống quy mô lớn tiết kiệm nước; máy chăm sóc lúa đa năng tiết kiệm nước; quy trình trồng lúa không cày bừa cho vụ hè thu; thiết bị hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm nước… giúp nâng cao hiệu quả lao động.
Anh Hoàng Mạnh Tiến, Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nhận xét, mô hình cánh đồng lớn sản xuất sản phẩm gạo mầm tươi của thanh niên Lương Văn Trường cho kết quả khả quan. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ làm cầu nối hỗ trợ Trường trong việc thuê đất để mở rộng sản xuất. Mặt khác, mô hình sản xuất này cũng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn có thêm định hướng, ý tưởng để khởi nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Công Luật