Hà Tĩnh: 6 người bị ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi ấm

Hà Tĩnh: 6 người bị ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi ấm

Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Tiến Tình (45 tuổi, quê ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, huyết áp tụt và bà Nguyễn Thị Cúc (67 tuổi, ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng bị hôn mê. 

Các bác sỹ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân bị ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi ấm. Ảnh: Hoàng Ngà- TTXVN
Các bác sỹ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân bị ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi ấm. Ảnh: Hoàng Ngà- TTXVN


Theo người nhà của anh Nguyễn Tiến Tình: tối 28/12 do trời lạnh nên gia đình đã đốt than củi nằm sưởi ấm. Đến sáng 29/12, người nhà phá cửa phát hiện vợ và con anh Tình nằm trên giường bị hôn mê, anh Tình nằm dưới nền nhà, sùi bọt mép. Người nhà lập tức đưa anh Tình đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh. Sau khi được cấp cứu, vợ và con của anh Tình đã tỉnh lại còn anh Tình được chuyển thẳng lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng hết sức nguy kịch. 

 Hiện tại, bệnh nhân Tình đang được các bác sỹ khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh theo dõi, cho dùng thuốc vận mạch và thở máy. Tiến hành chụp CT, các bác sĩ phát hiện sọ não có dấu hiệu tổn thương. 

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Cúc do phát hiện sớm nên đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện. Bệnh nhân Cúc kể lại, con dâu mới sinh cháu được 15 ngày, đêm lạnh gia đình đã đốt than để nằm ngủ cho ấm. Đến sáng hôm sau người nhà vào phòng thì phát hiện cả 3 người bất tỉnh nên nhanh chóng đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên. Người con dâu và cháu nhỏ bị nhẹ hơn nên được điều trị tại Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên còn bà Cúc thì được chuyển lên tuyến trên điều trị. 

Theo bác sĩ Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc - Trưởng khoa cấp cứu chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, khí CO là chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Do vậy, khi bị ngộ độc thường khó phát hiện. 

Nguyên nhân gây nhiễm độc khí CO thường gặp là dùng loại than để đun nấu, sưởi ấm, chạy máy phát điện, ở những nơi không khí kém (phòng kín, khu vực ít lưu thông khí)... Mùa thường gặp bị ngộ độc loại khí này là mùa đông. 

Bác sĩ Trung cho biết thêm, ngộ độc khí CO nếu phát hiện và điều trị muộn sẽ gây ra tử vong, hoặc để lại di chứng thần kinh - tâm thần nặng nề khi xuất viện chiếm 4-40%. Phụ nữ mang thai, thai nhi, người cao tuổi, người có bệnh lý mạch vành, mạch máu não nguy cơ bị ngộ độc nặng. 

Để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Trung khuyến cáo người dân, trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông tuyệt đối không được sưởi ấm bằng đốt than, củi trong nhà đóng kín hoặc dùng sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm. Từ trước đến nay, đã có nhiều sự việc đau lòng xảy ra do sưởi ấm bằng cách này./. 
                                                                                                           

Có thể bạn quan tâm