Theo đó, Sở Tài chính sẽ là đơn vị tham mưu đưa ra hai mức khoán. Một là, căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị để quyết định mức khoán, nhưng không vượt quá mức tối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng. Cách hai là, căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định khoán kinh phí sử dụng xe công cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh, nhân với đơn giá 13.000 đồng/km.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Chánh văn phòng Sở Tài chính Hà Nội cho biết thêm, đối với 39 xe công của các sở ngành, địa phương thực hiện thí điểm khoán đợt này đã dừng hoạt động từ 1/3, niêm phong chờ thu hồi sắp xếp theo quy định của thành phố.
Theo ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm, đợt này huyện có 3 xe thuộc diện khoán kinh phí, hiện số xe này đã được niêm phong theo quy định. Trong mấy ngày đầu, các đồng chí lãnh đạo huyện đi họp, đi kiểm tra làm việc với cơ sở đều đã sử dụng xe riêng để đi lại, song vẫn đảm bảo thời gian, cũng như hiệu quả công việc. Về lâu dài, huyện đang có kế hoạch hợp đồng với đơn vị vận tải tư nhân theo mức khoán của thành phố phục vụ công việc chung của địa phương.
Một lãnh đạo huyện Thanh Trì cũng chia sẻ, việc khoán xe này chưa xảy ra bất tiện gì trong đi lại họp của lãnh đạo, mọi việc vẫn được thông suốt như trước đây, trong khi đó kinh phí được tiết kiệm hơn.
Không chỉ có Hà Nội, một số bộ ngành cũng đã tiến hành khoán xe công. Việc làm này được dư luận đánh giá cao, tiết kiệm kinh phí, giảm phình bộ máy. Tuy nhiên, hiện nay, việc khoán xe công cũng đang gặp phải thực tế đó là sắp xếp việc làm hợp lý cho đội ngũ lái xe bị dôi dư./.