Công đoạn chạm thô. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
|
Từ những thợ mộc làm nhà, những người đàn ông trong làng Phù Khê tự học nghề lẫn nhau, dần dần ai cũng biết nghề chạm khắc gỗ. Họ truyền tai nhau bí quyết “quân bát, phát tam, tôn ngũ, phân nhị”, có nghĩa lấy chu vi chia thành 8 đoạn, bỏ đi 3 đoạn còn lại 5 đoạn đem chia 2 để tính công thức đường kính gỗ. Hoặc để chia mức độ khó của hình khối, người thợ có câu “nhất mộc, nhị nhân, tam vân, tứ thú”. Cụ thể, khó nhất là chạm cây cối, sau đó là chạm hình người, đến chạm mây và cuối cùng là chạm những con thú.
Công đoạn chạm tinh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
Với chiếc dùi trên tay đang miệt mài gọt gỗ để cho ra sản phẩm tượng gỗ, ông Kha cho biết: “Đây được ví như khâu thổi hồn cốt cho bức tượng thông qua việc bố trí cân xứng vị trí khuôn mặt, chân tay, trang phục... Cùng một mẫu, một loại gỗ nhưng qua mỗi bàn tay người thợ lại cho ra những sản phẩm có giá trị khác nhau, tùy thuộc vào trình độ cũng như năng khiếu của người thợ”.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn gỗ cũng quan trọng không kém bởi gỗ được chọn chạm rồng, chạm mây phải có đường vân đẹp. Tùy thuộc vào độ vênh hay cong, mỗi khúc gỗ sẽ được quyết định để làm trụ, xà thượng hay xà hạ, hoành, kèo… Từ đó, người thợ lựa chọn được thớ gỗ nào hợp với các hoa văn trang trí, “tùng, cúc, trúc, mai”; “long, ly, quy, phượng” hay “sỹ, nông, công, thương”…
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Kha chạm bức tranh Cửu long chầu nguyệt. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
Hiện nay, làng Phù Khê có khoảng khoảng 1.900 hộ sản xuất đồ gỗ, chiếm 70% số hộ sản xuát kinh tế trong vùng. Nghề sản xuất và kinh doanh đồ gỗ phát triển mang lại thu nhập ổn định cho người dân, bình quân đạt mức 5 đến 10 triệu đồng/tháng/người, đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động từ các vùng lân cận như huyện Yên Phong, huyện Đông Anh (Hà Nội), Bắc Giang…
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Kha chạm bức tranh Cửu long chầu nguyệt. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
“Các thanh niên trong làng đang ham làm giàu hơn làm nghề, lại thiếu tính kiên nhẫn để rèn luyện tay nghề cứng cáp, chỉ tập trung sản xuất hàng loạt hàng hóa để bán hàng, kiếm lợi nhuận. Trên thực tế, nghề chạm khắc gỗ quan trọng nhất là tính kiên trì, chịu khó học hỏi để đạt đến cái 'tinh' của nghề", ông Kha nói.
Sản phẩm chạm khắc gỗ Phù Khê. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
Khoảng 2 năm trở lại đây, cơ chế thắt chặt kinh tế của một số nước đã tác động trực tiếp đến thị trường đồ gỗ mỹ nghệ, khiến hàng gỗ của Phù Khê cũng như các làng khác sản xuất ra nhưng bị ứ đọng lại, không tiêu thụ được. Do đó, việc tìm kiếm và duy trì đầu ra cho các sản phẩm cũng là nỗi lo lắng không chỉ của người dân Phù Khê mà là nỗi lo của người dân làm gỗ trong vùng nói chung.
Lý giải về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết: “Hiện nay, việc sản xuất đồ gỗ tại Phù Khê vẫn theo mô hình hộ gia đình nên các sản phẩm không đồng đều cả về chất lượng và số lượng. Điều này kéo theo giá cả hàng hóa không bền vững, thậm chí không giữ được mức giá chung. Hơn nữa, đặc tính sản xuất nhỏ lẻ cũng khiến chính quyền địa phương cũng khó kiểm soát về mặt giá cả, an ninh, ô nhiễm môi trường…”.
Về định hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết, để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã và đang tích cực tuyên truyền quần chúng nhân dân phát huy truyền thống "cha truyền con nối". Đồng thời, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho khách trong và ngoài nước đến mua hàng; tạo điều kiện cung cấp vật liệu cho các hộ gia đình sản xuất.
Đặc biệt, xã Phù Khê cũng tạo điều kiện cho người dân vay vốn để phát triển, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, hàng năm sẽ tiếp tục tổ chức biểu dương, khen thưởng những hộ sản xuất giỏi, động viên những người thợ tâm huyết với nghề để giữ gìn bền vững nghề chạm khắc gỗ hơn 800 năm tuổi./.