Gian nan giữ rừng mùa hạn, mặn

Gian nan giữ rừng mùa hạn, mặn
Lực lượng chức năng của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang phối hợp với Công an tỉnh siết chặt công tác PCCCR.
Lực lượng chức năng của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng
đang phối hợp với Công an tỉnh siết chặt công tác PCCCR.
   
2 nhiệm vụ đối lập

Như thông lệ, vào những tháng đầu năm là các chủ rừng trên địa bàn tỉnh lại bắt tay lo cho công tác PCCCR, nhất là kể từ đầu tháng 3 thì công việc này lại càng được chú trọng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các chủ rừng thì công tác bảo vệ rừng năm nay như “một cổ hai tròng”, bởi vừa phải lo PCCCR, vừa ứng phó với tình hình xâm nhập mặn. Ông Huỳnh Chí Cường, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Khu bảo tồn), cho biết: Việc bảo vệ rừng năm nay có sự đối lập lẫn nhau, bởi theo thông lệ hàng năm, vào những tháng mùa khô thì công tác trữ nước để phục vụ PCCCR là rất cần thiết. Trong khi năm nay, do tình hình xâm nhập mặn nên việc lấy nước vào rừng trong những ngày qua phải cẩn trọng và dự báo kể từ tháng 4 thì càng khó khăn do nồng độ mặn tăng cao. Do đó, khả năng sẽ thiếu nước trong rừng vào tháng cuối mùa khô là hoàn toàn có thể xảy ra, trong khi nước dưới kênh có mà không dám sử dụng.

Cùng trăn trở trên, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân (Trung tâm Mùa Xuân), cho hay: “Hiện tại, chúng tôi đã đóng các cống, đập để ngăn nước vào vườn chim vì không biết khi nào có mặn xuất hiện với nồng độ cao như thời điểm gần tết và đợt vào ngày 8-3, với nồng độ hơn 1‰. Nếu không may nước mặn tràn vào sẽ phá hủy toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên nơi đây và làm cho khoảng 12.000 cá thể chim, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam đang sinh sống nơi đây bỏ đi là một điều đáng tiếc”. 

Cũng theo ông Hiền, việc đóng sớm các cống, đập tại vườn chim vào thời điểm này cũng là điều hết sức lo lắng cho đơn vị. Bởi, hiện chỉ mới bắt đầu vào thời điểm của mùa khô và còn kéo dài đến cuối tháng 6, thậm chí dài hơn nếu mùa mưa đến muộn. Như vậy, khả năng sẽ không đảm bảo nguồn nước phục vụ cho công tác PCCCR tại vườn chim trong thời gian tới, nhất là trước tình hình nắng nóng như hiện nay. Hiện tại, tranh thủ nồng độ mặn dưới các kênh còn thấp (dưới 1‰), đơn vị đang tích cực cho nước vào rừng để trữ lại nhằm phục vụ công tác PCCCR.

Siết chặt công tác bảo vệ rừng

Tuy công tác bảo vệ rừng trong mùa khô năm nay đứng trước những khó khăn, nhưng các chủ rừng đang triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm bảo vệ diện tích đất rừng. Ghi nhận tại Khu bảo tồn, nơi có diện tích đất rừng lớn nhất tỉnh, với hơn 1.435ha, hiện tại đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai phương án PCCCR. Bên cạnh đó, lên sơ đồ chỉ huy, thành lập ban chỉ huy, củng cố các tổ, thực hiện ký thỏa ước bảo vệ rừng với các địa phương giáp ranh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát dọn kênh mương được 52ha mặt nước, triển khai công tác ứng trực từ ngày 1-3, trong đó đã bố trí lực lượng trực tháp canh từ ngày 10-3. Bên cạnh đó, tuần tra, kiểm soát việc đốt đồng và đã mời 47 đối tượng thường lén lút vào rừng làm cam kết không vi phạm. Đặc biệt, xác định việc thường xuyên theo dõi độ ẩm trên rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm biết được những khu vực bị khô để khoanh vùng và có biện pháp phòng cháy hiệu quả. Qua khảo sát, đơn vị đã xác định được khoảnh 23 và 25 của trạm Gò Lức đã khô lớp đất mặt và thực bì, các khoảnh còn lại tuy vẫn còn độ ẩm nhưng chỉ có thể kéo dài đến cuối tháng 3 này.

Còn tại Trung tâm Mùa Xuân, hiện hệ thống kênh mương trong địa bàn (khoảng 50km) đều lưu thông dễ dàng, đã phân công lực lượng ứng trực tháp canh từ ngày 15-3, đồng thời thường xuyên mở các cuộc tuần tra kiểm soát người dân vào rừng trái phép, trong đó tập trung khu vườn chim và các khoảnh sản xuất lúa. Với tình hình thời tiết và mực nước, độ ẩm trên rừng, hiện ngành chức năng đưa ra mức dự báo cấp cháy rừng đang ở cấp III (cấp cao), dự kiến đầu tháng 4 sẽ nâng lên cấp IV (cấp nguy hiểm), do đó công tác PCCCR đang được các đơn vị chủ rừng tích cực triển khai.

Ông Trần Văn Tiến, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng của Khu bảo tồn, thông tin: “Từ đầu tháng 3 đến nay, lãnh đạo Khu bảo tồn đã chỉ đạo các tổ siết chặt công tác PCCCR. Theo đó, hàng ngày đều bố trí lực lượng thực hiện 2 đợt (vào buổi sáng và chiều) tuần tra bảo vệ rừng, trong đó tập trung vào các hộ sống giáp ranh và trong khu nghiêm ngặt chuẩn bị đốt đồng gieo sạ lúa Hè thu và các đối tượng lén vào rừng đốt ong lấy mật trái phép dễ gây ra cháy rừng”.

Song song với việc triển khai những giải pháp PCCCR, các chủ rừng còn xác định hướng nước mặn tấn công để có giải pháp ứng phó, bảo vệ rừng đạt hiệu quả. Theo đó, tại Trung tâm Mùa Xuân, nước mặn tấn công theo 3 hướng chính: thứ nhất, từ kênh Búng Tàu (ngang qua cầu Mùa Xuân của đường Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau); thứ hai, từ kênh Quản lộ Phụng Hiệp đi tỉnh Sóc Trăng vào 3 cửa ở cầu số 2, 3 (gần cầu chữ Y) và kênh Hạt; thứ ba, từ kênh Búng Tàu vào kênh Tân Lập. Còn tại Khu bảo tồn, nước mặn xâm nhập chủ yếu từ tuyến kênh Hậu Giang 3. Ông Huỳnh Chí Cường, Phó Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết thêm: “Sau khi xác định được hướng mặn tấn công, đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị thi công các đập thời vụ. Thời gian tới, sẽ thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến độ mặn tại thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, khi độ mặn vượt mức cho phép sẽ chỉ đạo đóng các cống, đập lại để bảo vệ rừng.

Hiện đã bước vào cao điểm mùa khô, mặc dù ngành chức năng và các chủ rừng đã triển khai nhiều kế hoạch ứng phó, nhưng trên hết vẫn là ý thức của người dân. Đặc biệt, năm nay, các chủ rừng phải “một cổ hai tròng” khi cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ là vừa phải lo PCCCR, vừa ứng phó với xâm nhập mặn. Do đó, rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để bảo vệ diện tích rừng, cũng chính là bảo vệ môi trường sống trong lành trước biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt như hiện nay…
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm