Trước dự báo tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh Cà Mau đang khẩn trương triển khai các giải pháp “ứng phó”, giảm thiểu rủi ro cho các đối tượng nuôi, trồng chủ lực của địa phương.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau và ngành nông nghiệp tỉnh, diễn biến thời tiết năm nay có nhiều bất lợi cho sản xuất lúa vụ Hè Thu. Tình trạng nắng hạn kéo dài, đất khô, mực nước xuống thấp nên nhiều vùng sản xuất nhiễm phèn, trong khi lượng mưa thấp gây khó khăn cho khâu rửa phèn đầu vụ.
Cụ thể, thời điểm tháng 5, 6 là thời kỳ chuyển mùa mưa, nhiệt độ vẫn ở mức cao so với trung bình nhiều năm, gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển của lúa sạ khô giai đoạn vừa xuống giống; đến tháng 7, 8 sẽ có những đợt gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây mưa lớn trên diện rộng. Những trà lúa trổ, chín vào tháng 8 dương lịch có khả năng gặp mưa bão gây thiệt hại.
Theo kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2024, toàn tỉnh Cà Mau xuống giống 35.244 ha; trong đó, huyện Trần Văn Thời có diện tích sản xuất lớn nhất với 28.954 ha, kế đến là huyện U Minh với 3.280 ha, thành phố Cà Mau là 2.480 ha và huyện Thới Bình có 530 ha.
Để vụ lúa Hè Thu đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị đầy đủ lượng giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, phân công cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân xuống giống.
Bên cạnh đó, nhằm theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất của nông dân, ngành chuyên môn còn phân công cán bộ kỹ thuật thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện và hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại.
Mặt khác, nông dân cần chọn giống lúa nhóm A đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phèn mặn, không nên mua lúa giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc; tuân thủ đúng lịch thời vụ và thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài để cập nhật lịch thời vụ, diễn biến thời tiết và cách phòng trừ sâu bệnh gây hại... Từ đó, chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ tốt các trà lúa, đảm bảo năng suất, chất lượng lúa khi thu hoạch.
Kỹ sư Trần Chí Nguyện, Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo, nông dân cần lưu ý khâu làm đất, cải tạo đất là rất quan trọng. Bởi đây không chỉ là khâu giúp đất tơi xốp, giảm phèn để cây lúa phát triển tốt mà còn phòng trường hợp thời tiết bất lợi, cây lúa vẫn đủ dinh dưỡng để phát triển.
Bên cạnh đó, nông dân cần đo độ pH trong đất thường xuyên bằng giấy quỳ hoặc liên hệ cán bộ khuyến nông hỗ trợ kiểm tra. Nếu độ pH dưới 5, cần bón vôi để tốt cho bộ rễ.
“Nông dân cần thường xuyên phối hợp với cán bộ kỹ thuật của huyện để được hướng dẫn sản xuất theo hướng “thuận thiên” hơn. Quan trọng là sử dụng phân bón phù hợp, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”. Đồng thời, ưu tiên sử dụng những chế phẩm phân bón sinh học để nâng cao năng suất và chất lượng lúa”, Kỹ sư Trần Chí Nguyện lưu ý.
Tương tự đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, theo nhận định của ngành chuyên môn, thời gian tới, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường do tác động của hiện tượng La Nina có thể gây thiệt hại nặng cho lĩnh vực nuôi thủy sản của địa phương.
Nhằm giảm thiểu rủi ro cho các đối tượng nuôi chủ lực của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu; UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh trên thủy sản nuôi.
Kỹ sư Trần Thanh Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau khuyến cáo, trong thời điểm giao mùa, nông dân cần theo dõi chặt chẽ các dự báo thời tiết, khí tượng thuỷ văn. Đồng thời chủ động gia cố bờ bao nuôi tôm. Ngoài ra, nguồn thức ăn cho tôm phải được kiểm định chất lượng, đảm bảo an toàn cho tôm nuôi… Đặc biệt, người dân nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, siêu thâm canh cần phải chuẩn bị sẵn một số hoá chất như vôi, oxy hoà tan... Riêng, hình thức nuôi tôm quảng canh chuẩn bị thêm khoáng, vi sinh..., để khi có mưa thì hoà vào nước tạt xuống vuông tôm. Đồng thời, khi có chuyển biến khác lạ trong vuông tôm, người dân cần kịp thời báo với cán bộ nông nghiệp ở địa phương để có phương hướng xử lý phù hợp.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 18.661 ha tôm nuôi bị bệnh, chết, phân bố rải rác tại các huyện, thành phố Cà Mau; trong đó, có 49,82 ha tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh và 18.611 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến, mức độ thiệt hại từ 35 - 75%.
Huỳnh Anh