Phú Yên xây dựng kịch bản, phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai

Phú Yên xây dựng kịch bản, phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn Phú Yên nhận định, từ nay đến tháng 12/2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6 - 8 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có 2 - 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến tỉnh Phú Yên. Các địa phương trong tỉnh còn phải hứng chịu nhiều thiên tai như mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất…

Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã xây dựng kịch bản chi tiết các tình huống và phương án ứng phó hiệu quả; chủ động lựa chọn các địa điểm ổn định, an toàn cho nhân dân trong trường hợp cần di chuyển khẩn cấp.

Các địa phương ven biển gồm: thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và huyện Tuy An đã sắp xếp các khu vực cảng cá, khu neo đậu đảm bảo nơi tránh trú cho hàng nghìn tàu cá của ngư dân khi có bão phải thực hiện lệnh cấm biển.

Địa bàn tỉnh có 51 hồ chứa (16 hồ lớn, 10 hồ vừa, 25 hồ nhỏ). Trước mùa mưa lũ, các đơn vị vận hành đã kiểm tra rà soát các hạng mục công trình và lập phương án bảo vệ công trình hồ chứa, phương án bảo vệ vùng hạ du.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, với mục tiêu, không để rơi vào các tình huống bị động, bất ngờ trước thiên tai, bão lũ, các phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương và lực lượng thường trực đang được hoàn chỉnh. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đơn vị đã cập nhật bổ sung các phương án với từng loại hình thiên tai (bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất…) theo từng cấp độ rủi ro thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Về lực lượng, tại các địa phương, mỗi thôn, buôn khu phố thành lập 1-2 tổ, đội thanh niên xung kích; mỗi xã, phường, thị trấn thành lập 1-2 trung đội dân quân cơ động (hoặc dân quân tại chỗ); mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức 1-2 đại đội dự bị động viên...

Bên cạnh việc chủ động các phương án ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phòng chống lũ cho các sông khu vực miền Trung, đồng thời đầu tư nguồn lực các hồ chứa trên thượng nguồn sông Ba đã được phê duyệt tại Quyết định 5205/QĐ-BNN-TCTL ngày 27/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Ba và vùng phụ cận đến giai đoạn 2030; xem xét điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa nước (gồm cả hồ thủy điện, thủy lợi) theo phương án vận hành liên hồ để tham gia điều tiết lũ...

Tỉnh Phú Yên đề xuất Chính phủ chủ trì việc ban hành quy chế phối hợp giữa các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên về quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Ba…

Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã gây ảnh hưởng 3.006,8ha (mức thiệt hại từ 70-100%) lúa vụ Đông Xuân mới gieo sạ; làm sạt lở, hư hỏng về công trình giao thông tại huyện Tây Hòa; triều cường xâm thực vào các khu dân cư, uy hiếp đến tính mạng của người dân huyện Tuy An; tổng giá trị thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm