Với mục tiêu giảm số hộ nghèo hằng năm, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo, những năm vừa qua, cấp ủy, chính quyền huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã quyết liệt đưa các chính sách giảm nghèo bền vững vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo…
Mù Cang Chải là huyện vùng cao với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải cho biết, bên cạnh việc nâng cao ý thức tự lực vươn lên cho đồng bào, huyện đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… để phát triển kinh tế - xã hội. Huyện thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, nhà ở, giải quyết việc làm và đào tạo nghề...
Nhiều năm qua, gia đình chị Phàng Thị Dê ở bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt thường xuyên phải đối mặt với bữa no, bữa đói. Để thoát nghèo, gia đình chị đã đăng ký vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn và trồng hoa hồng. Xã Nậm Khắt cũng hỗ trợ gia đình chị Dê vật tư làm nhà, sửa chữa chuồng trại. “Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, gia đình mình đã mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi và đăng ký thoát nghèo trong năm 2022”, chị Dê vui vẻ chia sẻ.
Với sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều hộ đồng bào ở Mù Cang Chải đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khai thác lợi thế địa phương, Mù Cang Chải hiện có gần 2.000 ha lúa, 4.500 ha cây sơn tra, trên 75.000 con gia súc, gia cầm các loại. Nhiều hộ đồng bào đã thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất vùng cao này. Đó là hộ ông Chang Sông Lử ở bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình, nhờ chăn nuôi trâu, bò, dê… có thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm; hộ ông Thào Nhà Của ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, nhờ trồng hoa hồng thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm…
Các chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống đã mở ra cơ hội cho hàng nghìn người nghèo ở huyện Mù Cang Chải có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống. Huyện Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thoát nghèo và đến năm 2030 không còn là huyện nghèo của cả nước.
Hương Hiền