Nông dân huyện Phú Hòa áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2017-2018. Ảnh: Thế Lập – TTXVN |
Tại cánh đồng lúa ở Phú Ân, Đông Lộc thuộc xã Hòa An (huyện Phú Hòa) với diện tích khoảng 400 hecta có ít nhất 12 chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động cùng lúc. Đang thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch 4 sào lúa, anh Huỳnh Thanh Thừa cho biết, ruộng của anh năng suất ước chừng 400 kg/sào (8 tấn/ha). Giá thuê máy gặt đập khoảng 110.000 đồng/sào nhưng nếu thu hoạch bằng thủ công thì chi phí gấp 3 lần. Tính ra, chi phí thu hoạch 4 sào lúa này, anh tiết kiệm hơn 800.000 đồng. Đây là một số tiền không nhỏ của nông dân.
Theo nông dân, nếu thu hoạch thủ công thì mỗi sào phải tốn trên 300.000 đồng, đó là chưa kể chi phí tuốt lúa. Trong khi đó, nếu sử dụng máy gặt liên hợp chỉ tốn duy nhất một khoản 110.000 đồng đến 140.000 đồng/sào tùy thuộc vào thời điểm thu hoạch cây lúa bị ngã đổ nhiều hay ít.
Anh Ma Chất ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho hay, cách đây gần một tháng có đợt mưa, diện tích lúa nhà anh bị ngã đổ nên chi phí thuê máy thu hoạch cao hơn ruộng khác khoảng 30.000 đồng/sào. Thế nhưng, so với thu hoạch thủ công thì vẫn rẻ hơn nhiều.
Nông dân huyện Phú Hòa áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2017-2018. Ảnh: Thế Lập – TTXVN |
Việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch được nông dân Phú Yên áp dụng khoảng 10 năm trở lại đây và ngày càng đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, nếu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp không chỉ tiết kiệm được thời gian mà tỷ lệ lúa bị thất thoái do rơi vãi dưới 3%; trong khi thu hoạch bằng thủ công thì tỉ lệ này lên đến 13%. Anh Lê Hồng Sơn, chủ một máy gặt đập liên hợp cho biết, năm ngoái đã mua chiếc máy này với giá 240 triệu đồng và mỗi ngày thu hoạch khoảng 3 hecta (tương đương với 60 sào lúa). Tính ra một ngày thu vào được hơn 6,6 triệu đồng, sau khi trừ toàn bộ chi phí nhiên liệu và thuê người điều khiển, anh còn lãi ít nhất 2,4 triệu đồng. Với thu nhập trên, chỉ cần thu hoạch khoảng 300 hecta đến 400 hecta anh Sơn sẽ thu hồi vốn. Do đó, hiện nay loại máy gặt đập liên hợp đang được một số người đầu tư để kinh doanh, kể cả nông dân. Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên), trên địa bàn tỉnh có khoảng 230 máy gặt đập liên hợp. Các máy này hoạt động theo kiểu cuốn chiếu, hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Nhờ vậy, diện tích lúa ở Phú Yên được thu hoạch bằng cơ giới đã lên gần 52.500 hecta, chiếm 92% diện tích gieo trồng; trong đó, vụ lúa Đông Xuân tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa cao hơn vì thu hoạch vào mùa nắng.
Thế Lập