Hiện nay, giá lươn thương phẩm đang ở mức 65.000 - 75.000 đồng/kg, khiến nhiều người nuôi lươn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
Khoảng vài năm trước, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng phát triển mạnh tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định, với giá bán có thời điểm lên đến 170.000 đồng/kg lươn thương phẩm, thời điểm giữ giá ổn định cũng 110.000 đồng/kg. Do không cần kỹ thuật quá phức tạp, phù hợp với nhiều đối tượng, kể cả hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất nên mô hình nuôi lươn không bùn được nhiều hộ lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, giá lươn thương phẩm giảm mạnh, hiện ở mức 65.000 đồng/kg lươn thương phẩm, nếu thương lái lựa chọn những con lươn loại lớn thì sẽ mua với giá 72.000 - 75.000 đồng/kg. Với giá bán này người nuôi bị thua lỗ nặng. Không những thế, sức tiêu thụ cũng rất chậm, hầu như không có thương lái tìm mua.
Gia đình anh Lý Quốc Biến, khu phố Phước An, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc đang có 15 hồ nuôi lươn, với số lượng 30.000 con. Đến nay số lươn này đã nuôi được hơn 15 tháng, quá kỳ xuất bán hơn 3 tháng nhưng giá bán lại quá thấp, nên anh đang phải nuôi cầm chừng để chờ giá tăng mới có thể xuất bán. Hiện nay, giá bán lươn thương phẩm đã giảm đến 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Lứa lươn này gia đình anh Biến cũng đã bỏ ra chi phí trên 300 triệu đồng, nên nếu bán với giá này anh sẽ bị thua lỗ nặng.
Theo anh Biến, với giá bán 65.000 - 72.000 đồng/kg lươn thương phẩm, so với chi phí bỏ ra, người nuôi bị lỗ từ 8.000 - 15.000 đồng/kg, nếu lươn bán được giá 80.000 - 85.000 đồng/kg thì người nuôi mới có thể hòa vốn. Để duy trì đàn lươn nuôi, đến nay gia đình anh không dám cho lươn ăn nhiều, mỗi tháng chỉ đầu tư khoảng 15 triệu đồng thay vì trước đây mỗi tháng gia đình anh tốn hết 30 triệu đồng tiền thức ăn.
Gia đình anh Nguyễn Gia Lành, ngụ ấp 4, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc cũng đang trong cảnh "đứng ngồi không yên" vì giá lươn đang giảm mạnh. Hiện gia đình anh đang nuôi 2 trại lươn, với 54 hồ, 200.000 con lươn thương phẩm. Do giá bán thấp nên hiện nay trang trại của gia đình anh còn tồn khoảng 6 tấn lươn đã nuôi được 14 tháng.
Anh Lành cho biết, nếu cách đây hơn 1 tuần thương lái còn trả giá 70.000 đồng/kg lươn thương phẩm, thì hiện nay thương lái chỉ trả với giá 65.000 đồng/kg lươn bán xô, còn nếu lựa con to mới được giá 75.000 đồng/kg. Với giá bán này anh Lành cầm chắc thua lỗ nên anh vẫn đang phải nuôi cầm cự chờ giá tăng lên chút mới xuất bán.
Theo ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 30 hộ nuôi lươn thương phẩm. Thời gian gần đây, giá thức ăn tăng, giá bán lươn thương phẩm lại giảm mạnh khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ thua lỗ nặng nề.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có khoảng 70 hộ nuôi lươn không bùn, chủ yếu ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Bà Rịa... Từ những tháng đầu năm 2023 trở về trước, thị trường tiêu thụ lươn thịt rất tốt, giá bán cao, người nuôi có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều mô hình nuôi lươn không bùn phát triển mạnh, trong khi thị trường xuất khẩu lươn thịt gặp khó, chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá lươn sụt giảm nhiều so với trước đây.
Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã triển khai tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi lươn. Hội cũng đang vận động người nuôi thành lập các tổ hợp tác nuôi lươn, tiến tới ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Hoàng Nhị