Gia Lai tạo sức bật sản xuất rau, hoa và cây ăn quả

Trong tiết trời ngày xuân, Gia Lai như bừng lên sức sống mới với sắc màu rực rỡ của những vườn hoa ly, hoa cúc, hoa hồng; màu xanh mơn mởn của những ruộng rau, vườn cây ăn quả. Để đạt được kết quả đó, không thể không nhắc đến Nghị quyết số 10 về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2023 và định hướng đến năm 2040 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai…

4-hong diep.jpg
Vườn ươm giống của Công ty cổ phần chanh leo Nafoods Gia Lai (Công ty cổ phần Nafoods Group) được đồng bào sử dụng rất nhiều vì giống đạt chuẩn. Ảnh: Hồng Điệp

Để đồng hành cùng nông dân, ngày 11/11/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2023 và định hướng đến năm 2040. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, tính đến năm 2023, diện tích cây ăn quả của tỉnh ước đạt khoảng trên 32.000 ha, tăng hơn 16.000 ha so với năm 2019; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,8%/ năm; sản lượng cây ăn quả năm 2023 ước đạt khoảng gần 560.000 tấn, tăng gần 430.000 tấn so với năm 2019; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 51,16%/năm. Trong số đó, một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn như chuối, sầu riêng, chanh dây phát triển mạnh về quy mô, diện tích và đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

12-hong diep.jpg
Gia Lai là một trong những địa phương xuất khẩu chanh leo sang thị trường châu Âu. Ảnh: Hồng Điệp

Cùng với đó, diện tích rau của tỉnh Gia Lai hiện đã đạt khoảng 34.762 ha, tăng hơn 5.000 ha so với thời điểm tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 10. Ngoài tăng diện tích, năng suất các loại rau của tỉnh Gia Lai cũng đã có sự gia tăng đáng kể. Theo đó, năm 2023, năng suất rau của tỉnh ước đạt 153,6 tạ/ha, tăng 10,6 tạ/ha so với năm 2019; sản lượng rau các loại ước đạt 534.000 tấn. Diện tích hoa, cây cảnh cũng đã có sự mở rộng về diện tích với gần 400 ha.

13-hong diep.jpg
Thời gian qua, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Giao, chi nhánh Gia Lai đã xuất khẩu hoa quả có giá trị lên tới hàng chục triệu USD vào thị trường Liên minh châu Âu và Mỹ. Ảnh: Hồng Điệp

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nhận định, Gia Lai có gần 600.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, với độ cao trung bình từ 600 - 700 m nên có lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp. Gia Lai đang kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt. Hiện nay, các dự án sản xuất cây ăn quả của DOVECO, Nafood đã hoạt động và đi sâu vào triển khai các nội dung của Nghị quyết. Trước khi thực hiện Nghị quyết số 10, Gia Lai có khoảng 6.000 ha cây ăn trái, cho đến năm 2023 đã có hơn 30.000 ha cây ăn trái và dự kiến sau năm 2025 có thể phát triển lên trên 50.000 ha cây ăn trái. Gia Lai hướng tới trở thành trung tâm của ngành rau, hoa, cây ăn quả của cả nước.

10-hoai nam.jpg
Cán bộ nông nghiệp huyện K’Bang hướng dẫn đồng bào dân tộc trồng và chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Hoài Nam
18-hoai nam.jpg
Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc trồng dưa lưới trong nhà kính đã giúp đời sống đồng bào dân tộc ở huyện Chư Pah thay đổi rõ rệt. Ảnh: Hoài Nam
19-hoai nam.jpg
Gia Lai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao hướng tới nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Trồng hoa trong nhà kính tại thị xã An Khê. Ảnh: Hoài Nam

"Thực hiện Nghị quyết số 10 về phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, ngoài tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích, Gia Lai còn tập trung đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm rau, hoa, trái cây gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Đồng thời, Gia Lai cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, phát triển mạng lưới kinh doanh và tiêu thụ rau, hoa, cây ăn quả" - ông Lưu Trung Nghĩa cho biết thêm.

Hồng Điệp

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm