Nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh Gia Lai đang phấn đấu nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế lên trên 94% dân số vào năm 2025.
Với dân số toàn tỉnh hơn 1,4 triệu người, trong đó có gần 50% là dân tộc thiểu số phân bố ở vùng núi, tỉnh Gia Lai còn nhiều khó khăn trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn dân. Do đặc thù là vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm y tế còn hạn chế, kéo theo đó tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 89%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế mặc dù vượt chỉ tiêu đề ra (90%) nhưng không mang tính bền vững.
Ngoài ra, việc cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn thiếu, cơ số thuốc, danh mục bảo hiểm y tế chưa phong phú, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu người tham gia bảo hiểm y tế... cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc thu hút tham gia bảo hiểm y tế tại Gia Lai. Cùng với đó, do sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu chặt chẽ, chưa kiểm tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính đối với một số đơn vị trốn đóng bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 cho thấy, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế tại tỉnh Gia Lai tăng lên theo từng năm. Theo đó, năm 2012, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 71% đến năm 2020 đạt 90,1%.
Đặc biệt, công tác quản lý, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được tăng cường, thực hiện minh bạch, công khai, thực hiện quyết toán, tạm ứng kinh phí cho cơ sở khám chữa bệnh kịp thời. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện kết nối liên thông trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội. Tỉnh Gia Lai đã bố trí nguồn kinh phí cho các nhóm đối tượng được Nhà nước đóng, hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng; trích 20% kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa sử dụng hết qua các năm để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đang mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS... Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn hỗ trợ nhiều nguồn kinh phí, quan tâm đầu tư, phát triển mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 34 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 21, công tác thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai được nâng cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt được kết quả khả quan; chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được cải thiện, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm y tế, phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện. Gia Lai cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách bảo hiểm đến tận đơn vị, doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách bảo hiểm trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nêu kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, người nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ cơ bản khác; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số ở vùng 1, đối tượng là già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, đề nghị Ban, bộ, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng khung giá dịch vụ khám chữa bệnh phải tính đủ 3 yếu tố (chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý) vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, có như vậy các bệnh viện mới đủ kinh phí hoạt động trong cơ chế tự chủ tài chính.
Hồng Điệp