Nỗ lực triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2020-2021

Nỗ lực triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2020-2021

Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho mọi người dân nói chung, trong đó có một bộ phận không nhỏ là học sinh, sinh viên đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ở nước ta.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Chỉ tính riêng năm học 2019-2020, số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trên cả nước đạt 18,16 triệu người (đã bao gồm tham gia theo nhóm đối tượng khác), ước đạt 95,2% tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề, tăng 1% so với năm học 2018-2019. Một số tỉnh có tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đạt 100% là: Hải Dương, Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Giang.

Với mục tiêu phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế năm học 2020-2021, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành bảo hiểm xã hội, giáo dục và đào tạo, các đơn vị liên quan cùng các địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu này, trong đó có việc đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên do Nhà nước tổ chức thực hiện theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và là chính sách mang tính xã hội, không vì mục đích lợi nhuận, được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.

Học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng theo tỷ lệ phần trăm của mức lương cơ sở. Năm học 2020-2021 không có sự thay đổi về mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên. Theo đó, học sinh, sinh viên vẫn đóng với mức đóng là 4,5% mức lương cơ sở tương đương với 67.050 đồng/tháng, trong đó được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% nên số tiền thực tế phải đóng hàng tháng là 46.935 đồng/tháng, tương đương với 563.220 đồng/năm.

Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế thì cơ chế bảo hiểm y tế đã từng bước bảo đảm việc trích chuyển 5% từ nguồn thu bảo hiểm y tế để phục vụ công tác phát triển y tế học đường. Ngay khi bắt đầu tham gia bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên đã được hưởng các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nhà trường như: Sơ cấp cứu, xử lý ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập.

Nếu đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến, học sinh, sinh viên được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy theo từng mã thẻ và trong phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; theo đó, học sinh, sinh viên được hưởng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, vật tư y tế theo danh mục điều kiện, tỷ lệ quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, học sinh, sinh viên được miễn đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên, có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở và đi khám, chữa bệnh đúng quy định. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp học sinh, sinh viên không may mắc bệnh nặng nhưng nhờ tham gia bảo hiểm y tế đã giảm đáng kể chi phí khi khám và điều trị bệnh.

Theo số liệu từ nguồn giám sát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ tháng 1/2019 đến ngày 14/9/2020, đã có trên 12,8 triệu lượt học sinh, sinh viên đi khám, chữa bệnh được chi trả từ nguồn quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền trên 4.056 tỷ đồng.

Nhiều học sinh, sinh viên được chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cao như trường hợp mã thẻ số HS41717200xxxxx ở Hòa Bình được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 1,07 tỷ đồng, mã thẻ HS40101215xxxxx ở Hà Nội là hơn 1 tỷ đồng, mã thẻ HS47979390xxxxx ở Thành phố Hồ Chí Minh số tiền gần 947,7 triệu đồng…

Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, không chỉ đảm bảo cho các em chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm được những rủi ro khi không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, tạo điều kiện giúp các em được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể lực, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nhà trường, thầy cô giáo trong việc vận động học sinh, sinh viên, cũng như phụ huynh của các em tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm