Những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn đảm bảo tốt tỷ lệ học sinh chuyên cần. Đó là kết quả của sự nỗ lực, tinh thần vượt khó của đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa trong việc vận động học sinh đến lớp.
Với khoảng 400 nghìn học sinh tại 774 trường chính, thuận tiện cho việc đi lại, đưa đón của phụ huynh, tỉnh Gia Lai còn có hàng trăm điểm trường vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt là mùa mưa. Để đảm bảo duy trì sĩ số, các thầy cô tại những điểm trường này ngoài đảm bảo công tác dạy học trên lớp, họ còn được xem như những bảo mẫu của học trò vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nơi đây.
Theo cô Vũ Thị Hợi, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lơ Pang, toàn trường có hơn 600 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 98%. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, tỷ lệ duy trì sỹ số của trường này đạt cao nhất trong các trường Tiểu học của huyện Mang Yang. Không quản ngại khó khăn, giáo viên vùng sâu, vùng xa xem học sinh như con của họ, hết lòng vì học sinh nên các em cũng biết ơn giáo viên, thường xuyên đến trường học tập. Công tác này góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường nói riêng và ngành giáo dục địa phương nói chung.
Tập quán lạc hậu, không chú trọng việc học hành của con cái, các bậc phụ huynh quanh năm chỉ biết đi làm nương rẫy, con ở nhà không biết có đến trường hay không. Một số học sinh đến lớp không thường xuyên nên kiến thức không bắt kịp các bạn dẫn đến chán nản, bỏ học; hoặc theo thói quen, buổi sáng các em dậy muộn, đến trường ngay nên giờ ra chơi thường đói bụng, trở về nhà tìm kiếm thức ăn và không trở lại lớp.
Đây là vấn đề nan giải chung của giáo viên vùng sâu, vùng xa khi muốn duy trì, đảm bảo sĩ số lớp học. Khắc phục những khó khăn trên, các giáo viên tại các điểm trường Trường Tiểu học Lơ Pang phải làm thay công việc của phụ huynh. Vào mùa nắng, khoảng 6 giờ 30, các giáo viên thường đến nhà và chở các em đến trường. Mùa mưa, các thầy cô nơi đây phải dậy sớm hơn vì đường đi trơn trợt, đón từng tốp bằng xe máy.
Điểm trường Alao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang nằm cách trường chính là Trường Tiểu học Pơ Lang khoảng 10 km, cách trung tâm thị trấn 25 km với 5 phòng học được xây dựng kiên cố và một phòng học tạm dựng bằng tôn. Hiện điểm trường Alao có 147 học sinh đều là người dân tộc thiểu số Bahnar cùng sinh sống tại làng Alao. Các thầy cô nơi đây đã dạy dỗ hàng chục lứa học trò tập đánh vần từng âm chữ, con số để có thể phụ giúp gia đình trong sản xuất, mua bán.
Thầy Chhỡi, người dân tộc Bahnar, có thâm niên 35 năm dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa của Trường Tiểu học Lơ Pang cho biết, Thấu hiểu hoàn cảnh các em, thầy thường xuyên đến nhà chia sẻ, động viên học sinh đến lớp. Giáo viên trong trường từ đó lấy thầy làm gương và làm theo cách vận động của thầy Chhỡi nên từng bước nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh điểm trường lên từng năm.
Ngoài việc lên lớp cho các em đúng buổi, thầy cô ở điểm trường Alao còn tự nguyện phụ đạo cho các em vào buổi chiều để nâng cao kiến thức cho học sinh vùng khó. Mùa nắng, các thầy cô nơi đây vận động các nhà từ thiện ủng hộ mì tôm để các em ăn sáng trước khi đến lớp, tránh trường hợp đói bụng bỏ về giữa chừng, quyên góp áo mưa vào mùa mưa. Mùa Đông, các thầy cô áo ấm cho các em yên tâm ngồi học. Ngoài ra, các đoàn từ thiện đến xây dựng mô hình thư viện, các nhu yếu phẩm để các em có điều kiện học hành đầy đủ hơn. Tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ của giáo viên được đền đáp bằng những buổi học đông đủ học sinh.
Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ giáo viên để các thầy cô làm tốt nhiệm vụ của mình. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đội ngũ giáo viên của huyện luôn cố gắng cống hiến hết mình cho công tác giáo dục địa phương thông qua các thành quả mà ngành Giáo dục huyện Mang Yang đạt được, nhất là tỷ lệ chuyên cần của học sinh vùng khó. Riêng đối với điểm trường Alao còn một phòng học tạm, chính quyền địa phương đã có kế hoạch xây dựng thêm phòng học vào cuối năm học 2019 - 2020, để các em có phòng học kiên cố vào đầu năm học tới nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học của thầy trò vùng sâu, vùng xa.
Hàng ngày không kể nắng, mưa, cô giáo Lê Thị Yến vẫn đều dậy sớm đến đón các học sinh vào lớp. Cô Yến sinh năm 1998, vừa mới ra trường, đang là giáo viên điểm trường Bok A Yơl, Trường Tiểu học H'ra 2, xã H'ra, huyện Mang Yang. Điểm trường này có 5 lớp nhưng chỉ có 4 phòng học, lớp cô Yến phụ trách mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng của làng nên nếu làng có hội họp, cô trò phải nghỉ học.
Điểm trường Alao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang là một trong những điển hình trong công tác duy trì sỹ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Gia Lai. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, tỷ lệ chuyên cần của học sinh tỉnh đạt trên 95%. Đây là thành quả của sự nỗ lực trong việc vận động, tuyên truyền phụ huynh quan tâm đến chất lượng giáo dục con em mình; lòng nhiệt huyết với nghề, tình yêu mến học sinh vùng khó của thầy cô giáo nơi đây.
Hồng Điệp