Gia Lai liên kết hướng đến sản xuất hồ tiêu sạch

Tiêu sạch đảm bảo chất lượng, màu sắc được bà con nông dân trồng tiêu xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Tiêu sạch đảm bảo chất lượng, màu sắc được bà con nông dân trồng tiêu xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Hiện tại, hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp khó khăn vì giá xuống thấp cộng với tình hình dịch bệnh, hạn hán gây mất mùa khiến người dân lao đao. Trước thực trạng này, nông dân trồng hồ tiêu tại một số địa phương của tỉnh đã liên kết, tự tìm lối thoát bằng cách thành lập các hợp tác xã, tổ liên kết hướng đến sản xuất sản phẩm hồ tiêu sạch và bền vững. 
Vườn tiêu sạch khoảng 15.000 trụ tiêu tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa ứng dụng công nghệ tiên tiến, bón phân hữu cơ và vi sinh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Vườn tiêu sạch khoảng 15.000 trụ tiêu tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa ứng dụng công nghệ tiên tiến, bón phân hữu cơ và vi sinh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Mới đây, “Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch, bền vững xã Nam Yang” thuộc huyện Đăk Đoa đã ra đời trong sự chào đón của hơn 50 thành viên. Tổ liên kết được thành lập với mục tiêu hướng đến là xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững, nông dân liên kết với nông dân để tìm đầu ra và nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp địa phương. Theo đó, Tổ liên kết sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản xuất, đồng thời tăng giá trị sản phẩm.

Anh Ngô Văn Tiên, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch, bền vững xã Nam Yang cho biết, trước đây, tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu tràn lan do người dân phát triển diện tích hồ tiêu ồ ạt, nguồn giống không đảm bảo chất lượng. Nhiều vùng canh tác lâu năm lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật làm đất bị chai hóa, nhiễm độc.

Để cải tạo tình hình trên, việc chọn giống tiêu đảm bảo chất lượng, sử dụng phân bón hữu cơ cải tạo đất là xu thế phát triển lâu dài. Tham gia tổ liên kết này là cuộc cách mạng thay đổi tư duy cho nông dân, nếu thành công thì người nông dân sẽ đứng ở thế chủ động, ít phụ thuộc bởi các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả, giá thành đầu vào, ổn định đầu ra và các rủi ro khác.

Là người tiên phong trồng tiêu sạch trên địa bàn, anh Tiên là nông dân tiêu biểu của tỉnh Gia Lai tham gia hội thảo nông dân toàn quốc, đại diện cho nông dân Việt Nam tham gia chương trình “Giao lưu hữu nghị, hợp tác kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Singapore” do Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam tổ chức tại thủ đô Singapore. Tại sự kiện này, sản phẩm hồ tiêu của anh Tiên được công nhận là “Sản phẩm dịch vụ chất lượng cao ASEAN”, có giá bán gấp đôi giá tiêu trên thị trường.

Trong thời điểm “thai nghén” tổ liên kết, anh Tiên đã bỏ công sức đến các địa phương khác, thậm chí ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm về chăm sóc, lựa chọn cây giống, đến các nhà máy sản xuất phân hữu cơ kiểm tra quá trình sản xuất để tìm địa chỉ đầu vào đảm bảo chất lượng cho tổ liên kết. Hiện tại, 15.000 trụ tiêu của anh đều được chuyển đổi từ cách sản xuất truyền thống sang hướng hữu cơ bền vững, hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cho kết quả bước đầu khả quan.

Tiêu sạch đảm bảo chất lượng, màu sắc được bà con nông dân trồng tiêu xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Tiêu sạch đảm bảo chất lượng, màu sắc được bà con nông dân trồng tiêu xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Sau khi được anh Tiên hướng dẫn và truyền đạt kinh nhiệm, một vài hộ trồng thử nghiệm đạt năng suất, chất lượng cao, được nhiều công ty đặt hàng với số lượng lớn nên họ triển khai thành lập tổ liên kết này để cung ứng đầu ra, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Không chỉ chú tâm trồng hồ tiêu sạch, Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch, bền vững xã Nam Yang còn quan tâm đến khâu sơ chế, bảo quản để cho ra sản phẩm hồ tiêu đảm bảo hầu như nguyên vẹn chất lượng, màu sắc, mùi vị.

Anh Trần Quang Sơn, kỹ sư nông nghiệp, thành viên tổ sản xuất cho hay, sau khi có nguyên liệu tiêu sạch được tổ liên kết trồng tại địa phương, anh đã sáng chế ra một loại máy sấy hồ tiêu nâng cao chất lượng, màu sắc sản phẩm. Để cho ra sản phẩm ưng ý, cần qua công đoạn xử lý công phu với loại máy sấy này. Giá của mỗi máy sấy chưa tới 10 triệu đồng, anh Sơn hỗ trợ công lắp đặt cho bà con. Giá bán hồ tiêu trên thị trường hiện nay là 50.000-60.000 đồng/kg nhưng sản phẩm hồ tiêu sạch qua máy sấy của tổ liên kết được bán với giá 200.000-500.000 đồng/kg tùy loại.

Ngoài việc sáng chế máy sấy tiêu hỗ trợ bà con trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn, anh Sơn còn kết hợp nhiều loại máy móc tiện dụng trong việc cắt cỏ, bón phân, phun thuốc tạo điều kiện giảm giá thành và công lao động cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch UBND xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa cho biết, đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành lập Tổ liên kết dưới hình thức nông dân liên kết với nông dân. Với điều kiện nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, việc thành lập tổ sản xuất hồ tiêu sạch là hướng đi đúng để tìm lối thoát cho bà con trước tình hình khó khăn như hiện nay.

Hiện tại, một số doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã có đơn đặt hàng với tổ liên kết nếu tổ đảm bảo đủ số lượng cũng như chất lượng họ yêu cầu. Nếu bà con triển khai đúng theo kế hoạch mà tổ liên kết đưa ra, sản xuất đúng quy trình những hộ tiên phong thì tỷ lệ thành công sẽ rất lớn.
Hồng Điệp
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm