Người dân chuyển đổi trồng tiêu sang trồng bơ tại Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Chỉ tính riêng vùng trọng điểm hồ tiêu Chư Pưh, hiện có khoảng hơn 8.000 hộ dân vay vốn sản xuất hồ tiêu tại các Ngân hàng trên địa bàn với tổng vốn vay hơn 1.500 tỷ đồng. Qua thống kê chưa đầy đủ, có khoảng gần 2.700 hộ dân bị thiệt hại với tổng dư nợ bị thiệt hại gần 800 tỷ đồng.
Ông Lương Công Lâm trú tại thôn Hòa Phú, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết: "Ba năm trước, gia đình tôi vay 600 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Chư Pưh để đầu tư trồng gần 2 ha tiêu. Tuy nhiên, chưa kịp được hưởng lợi thì toàn bộ diện tích tiêu của gia đình tôi bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Nếu không có chính sách khoanh nợ, giãn nợ mà Ngân hàng đã triển khai thì gia đình tôi cũng như nhiều gia đình trồng tiêu khác sẽ rất khốn đốn".
Agribank Chi nhánh huyện Chư Pưh là đơn vị chủ lực với gần 1.500 khách hàng vay gần 500 tỷ đồng để đầu tư phát triển hồ tiêu. Thực hiện đề nghị của chính quyền địa phương, đến nay Ngân hàng đã cơ cấu lại thời gian trả nợ và khoanh nợ, giãn nợ trong thời gian phù hợp cho 109 khách hàng với tổng dư nợ hơn 53 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hồng Nam, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Chư Pưh chia sẻ, thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của ngành, đơn vị đang chủ động làm việc với khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất cây tiêu để triển khai các biện pháp tối ưu nhất, góp phần giúp bà con tháo gỡ khó khăn trước mắt.
Vườn tiêu sạch khoảng 15.000 trụ tiêu tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa ứng dụng công nghệ tiên tiến, bón phân hữu cơ và vi sinh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Pưh cho hay, trước mắt, về phía ngành nông nghiệp đã tham mưu cho huyện đề xuất với các ngân hàng ưu tiên nghiên cứu các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với các nông hộ vay vốn đầu tư sản xuất tiêu gặp khó khăn do tiêu bị chết. Ngoài ra, ngành cũng đã liên hệ với các doanh nghiệp có tiềm năng để liên kết sản xuất với người nông dân nhằm tìm đầu ra ổn định cho bà con.
Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Gia Lai, tập trung chủ yếu ở vùng chuyên canh thuộc hai huyện Chư Sê và Chư Pưh với gần 7.000 ha. Những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, cộng với sâu bệnh hại hoành hành đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây hồ tiêu. Điều này, khiến đời sống của hàng ngàn nông dân lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, thậm chí có gia đình trắng tay không còn vốn để đầu tư lại do tiêu chết hàng loạt không thể cứu chữa.
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho rằng, trước đây do giá hồ tiêu tăng cao trong một thời gian dài nên nông dân tự phát, ồ ạt trồng tiêu không theo qui hoạch. Thậm chí, ngay cả trên những vùng đất không phù hợp về thổ nhưỡng, lạm dụng các chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật quá mức dẫn đến ô nhiễm môt trường đất, mất khả năng đề kháng tự nhiên nên dễ bị nấm bệnh tấn công gây hại.
"Để khắc phục tình trạng này, nông dân không nên mở rộng diện tích mà phải giảm diện tích hiện có và tập trung đầu tư có trọng điểm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo phương châm bền vững. Đối với những diện tích bị sâu bệnh hại nặng, diện tích tiêu trên những vùng đất không phù hợp thổ nhưỡng kiên quyết chuyển đổi sang trồng cây ăn quả gắn với đầu ra là các nhà máy sản xuất về lĩnh vực này đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn.", ông Uyển khuyến cáo.
Nguyễn Hoài Nam