Cam được xác định là cây ăn quả chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Huyện Đăk Pơ là một trong những địa phương có diện tích mía nhiều nhất tỉnh Gia Lai với gần 10.000 ha. Niên vụ mía năm 2017-2018, giá chỉ còn 780 đồng/kg mía 10 chữ đường gây khó khăn cho người nông dân, nhất là khi các nhà máy đường không thu mua khiến hàng nghìn ha mía chết khô trên đồng. Hoặc nếu thu mua, các hộ dân trồng mía bị ép giá vì trừ tạp chất, chữ lượng đường… gây nhiều ức chế cho người dân. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện Đăk Pơ xảy ra 21 vụ cháy mía nguyên liệu với diện tích gần 120 ha. Nguyên do là mía không được thu mua, phải để lại trên đồng, gặp nắng hạn gây cháy. Chính vì lý do đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Pơ đã chuyển đổi các diện tích mía này sang trồng cây ăn trái như: nhãn, chanh dây, thanh long, quýt, chanh đào… và thu về hiệu quả kinh tế cao hơn trồng mía.
Người dân chuyển đổi trồng tiêu sang trồng bơ tại Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Điển hình như hộ ông Nguyễn Quang Phúc, thôn An Quý, các Phú An, huyện Đăk Pơ có 200 cây nhãn lồng Hưng Yên đã cho thu hoạch. Mỗi vụ, trừ chi phí, gia đình ông Phúc thu lãi khoảng 300 triệu đồng. So với trồng mía, diện tích nhãn hiện tại của ông Phúc cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều, ít tốn công chăm sóc và thu hoạch trong nhiều năm. Ông Phúc đang mở rộng diện tích nhãn của gia đình và nhân khoảng 4.000 cây giống cho bà con mỗi năm. Gia đình chị Nguyễn Thị Bắc, thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ đã chuyển đổi hơn 20 ha diện tích đất trồng mía trước đây sang trồng 200 cây chanh đào, 500 cây quýt đường, 300 cây na, 120 cây dừa xiêm, 100 cây cam sành… cho thu nhập bình quân một năm gần 1 tỷ đồng. Chị Bắc cho biết, trên cùng một diện tích đất, thay vì trồng mía không còn giá trị kinh tế, người dân chuyển sang trồng cây ăn trái và bước đầu cho hiệu quả khá cao. Trồng các giống cây ăn trái ít tốn công chăm sóc hơn so với cây mía mà lại thu hoạch thời gian dài,. Do phù hợp với khí hậu địa phương nên khi bắt đầu chuyển đổi, các giống cây này đều phát triển ổn định, cho nhiều trái và quan trọng là đầu ra ổn định, thương lái đế tận vườn thu mua.
Xoài mang lại thu nhập lớn cho người nông dân tại Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Cùng gặp khó khi cây mía không còn là cây trồng chủ lực, anh Nguyễn Văn Thành, thôn 3, xã Hà Tam chia sẻ, gia đình anh đã gắn bó với cây mía trên 15 năm. Thế nhưng, hiện tại anh Thành đã chặt bỏ hết 1,5 ha mía năng suất thấp sang trồng cây đinh lăng vì loại cây này cho giá trị kinh tế cao và có đầu ra ổn định hơn cây mía. Nhằm giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch và mang tính bền vững, huyện Đăk Pơ đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Toàn huyện đã phân bổ kinh phí cho mô hình thâm canh cây chanh đào, cây keo lai nuôi cấy mô cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trồng thâm canh cây thanh long lai Singapo ruột trắng, trồng quýt đường, thâm canh giống nhãn chín muộn HTM1… Ông Nguyễn Hiệp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Pơ cho biết, vì tình hình cạnh tranh chung nên giá đường giảm kéo theo giá mía nguyên liệu xuống quá thấp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nông dân. Hiện tại, trên địa bàn huyện, người dân đã chuyển đổi khoảng 300 ha diện tích trồng mía sang trồng các loại cây ăn trái. Các giống cây này hợp khí hậu và thổ nhưỡng địa phương nên phát triển tốt và cho giá trị kinh tế bước đầu khá ổn định./.
Hồng Điệp