Gia Lai: Bộ đội giúp làng Kon Brung thoát nghèo

Làng Kon Brung, xã A Yun đang ngày một chuyển mình, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Mang Yang (Gia Lai) với sự hỗ trợ của một số đơn vị kết nghĩa, đặc biệt là Ban Chỉ huy quân sự huyện Mang Yang. Từ một ngôi làng nghèo, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 tăng lên 32 triệu đồng/người/năm.

Gia Lai: Bo doi giup lang Kon Brung thoat ngheo hinh anh 1Làng Kon Brung ngày một phát triển với cơ sở vật chất khang trang. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Làng Kon Brung có hơn 300 hộ dân, khoảng 1.500 khẩu, 100% là người dân tộc Bahnar. Trước đây, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Để hỗ trợ dân làng Kon Brung thoát nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang đã phân công một số đơn vị phụ trách, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, trong đó Ban Chỉ huy Quân sự huyện là chủ chốt.

Trung tá Đặng Quốc Văn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang cho biết, hằng năm đơn vị sẽ rà soát gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa...bằng khoản kinh phí tự cân đối của đơn vị và kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Ngoài hỗ trợ bằng vật chất, đơn vị cũng đóng góp hàng nghìn ngày công giúp bà con trong sản xuất, làm đường bê tông, xây dựng cơ sở vật chất.

Cùng với một số đơn vị kết nghĩa với làng Kon Brung, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang đã thực hiện nhiều hoạt động thường xuyên như trao tặng bò giống sinh sản, tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân tham gia các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp như bời lời, keo, bạch đàn. Đặc biệt, một số hộ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng cây cà phê cho năng suất, lợi nhuận cao. Bên cạnh đó các đơn vị kết nghĩa đã hỗ trợ hàng nghìn ngày công để cùng bà con làng Kon Brung xây dựng hàng trăm mét đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng hội trường làng, làm sân bê tông nhà văn hóa, sân bóng chuyền.

Gia Lai: Bo doi giup lang Kon Brung thoat ngheo hinh anh 2Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng tại làng Kon Brung. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Nhờ đó, trong 5 năm (2015-2020) số nhà dột nát ở làng Kon Brung cơ bản được xóa bỏ thay vào đó là nhà bê tông kiên cố. Ông Mai Thanh Chung, Phó Bí thư thường trực xã A Yun cho biết, năm 2015, làng có 37 hộ nghèo, nhờ những đơn vị kết nghĩa, đặc biệt là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách làm kinh tế mà bà con đã thay đổi nhận thức, tư duy. Làng Kon Brung đang ngày một khởi sắc, cuộc sống bà con dần ổn định.

Cuối tháng 3/2021, lễ kết nghĩa và ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2020 - 2025 giữa Ban Chỉ huy Quân sự, Hội Cựu chiến binh, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cùng với lãnh đạo xã Ayun huyện Mang Yang đánh dấu thêm sự gắn kết khăng khít tình quân - dân. Cam kết, giao ước thi đua tập trung 5 nhiệm vụ chính về an ninh chính trị, an ninh nông thôn; kinh tế - đời sống; văn hóa - xã hội; định canh, định cư; củng cố kiện toàn hệ thống chính trị. Các nhiệm vụ được thực tế hóa bằng mục tiêu hằng năm giúp đỡ 1 quần chúng ưu tú kết nạp đảng; xây 1 căn nhà tình nghĩa; luân phiên hỗ trợ giúp 4 hộ gia đình chăm sóc 4 con bò giống và 7 con dê giống sinh sản mỗi năm; khoan giếng nước sinh hoạt, xây dựng thêm kết cấu cơ sở hạ tầng; hỗ trợ cho làng một số loại giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa bàn.

Ông Brôl, người uy tín làng Kon Brung cho hay, dân làng cảm ơn chính quyền địa phương, cảm ơn bộ đội đã giúp bà con thay đổi cách nghĩ, nếp làm để có cuộc sống ổn định hơn. So với 5 năm trước, giờ đây làng Kon Brung đã khởi sắc hơn rất nhiều. Từ một làng đặc biệt khó khăn, nay Kon Brung đã vươn lên thoát nghèo, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mang Yang. Đây là niềm tự hào của dân làng Kon Brung.

Hồng Điệp

Tin liên quan

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên đã lồng ghép nhiều nguồn lực giúp phụ nữ có sinh kế để thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế gia đình và khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Những việc làm thiết thực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang triển khai, nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số và khẳng định vai trò, uy tín của tổ chức Hội.


Người dân vùng biên ở Sơn La thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi

Những năm qua, nhờ mạng lưới giao dịch được mở rộng, thủ tục hành chính tinh gọn dòng vốn tín dụng ưu đãi đã đến được với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Qua đó, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững.


Đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Gia Lai là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cao. Thời gian qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi nên nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã có việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai từ gần 20% (năm 2015) giảm còn 4,5%; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ hơn 40% (năm 2015) giảm xuống còn 6,25%.



Đề xuất