Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, thống kê 9 tháng năm 2023, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 4,22 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 1.765 tỷ đồng. Dự kiến 3 tháng cuối năm, lượng du khách đến Tây Ninh tiếp tục tăng mạnh. Phần lớn khách đến khu du lịch núi Bà Đen, nơi có nhiều công trình kiến trúc tâm linh độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam bộ.
Tăng cường quảng bá du lịch
Bà Đào Thị Việt, Phó Giám đốc Khu du lịch SunWorld núi Bà Đen Tây Ninh (SunWorld BaDen Mountain) cho biết, từ nay đến cuối năm, đỉnh núi Bà Đen sẽ tiếp tục được đầu tư về cảnh quan để trở thành một thiên đường về hoa. Nhiều đại cảnh, tiểu cảnh sẽ được chăm chút, đầu tư để du khách cảm nhận không gian an yên, thư thái khi đến với đỉnh núi Bà Đen.
Đặc biệt, phật tử và du khách khi lên đỉnh núi Bà Đen chiêm bái sẽ có nhiều trải nghiệm tâm linh ý nghĩa trong dịp Lễ Vía Quán Thế Âm xuất gia diễn ra vào tháng 9 âm lịch. Khu du lịch sẽ liên tục tổ chức các triển lãm nghệ thuật Phật giáo trên đỉnh núi để du khách được tận mắt chứng kiến những tôn tượng cổ có niên đại hàng nghìn năm, những tác phẩm Phật giáo độc đáo từ lá sen, hay gốm sứ Việt.
Để tạo điều kiện cho du khách đến chiêm bái ngọn núi cao nhất Nam bộ những tháng cuối năm, Sun World Ba Den Mountain có nhiều chính sách ưu đãi giá vé cáp treo cho học sinh, sinh viên và miễn phí cho tăng, ni. Đặc biệt, tháng 10/2023, người dân Tây Ninh và du khách đến từ Hà Nội cũng sẽ được giảm giá vé để mừng sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội do UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức từ ngày 7-8/10 tại Thủ đô Hà Nội.
Bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện tỉnh đang triển khai nhiều đề án, kế hoạch về phát triển du lịch; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, giữ gìn hình ảnh chất lượng phục vụ các dịch vụ du lịch; kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch và các sản phẩm du lịch. Tỉnh Tây Ninh đã và đang thực hiện Đề án phát triển cụm, ngành du lịch của tỉnh giai đoạn 2019-2021 và định hướng đến năm 2030. Qua đó, ngành du lịch cũng rà soát, có kế hoạch, chính sách, giải pháp cụ thể để mời gọi đầu tư, phát triển loại hình du lịch sinh thái trong Hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, du lịch ven sông Vàm Cỏ Đông... Đặc biệt, năm 2023, Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương cục miền Nam. Đây là cơ sở để tỉnh chủ động đầu tư, tôn tạo, sửa chữa các công trình, góp phần thu hút và giữ chân du khách.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng đang triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng Đông Nam bộ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền xúc tiến du lịch trong nước và ngoài nước với thông điệp "Du lịch Việt Nam an toàn, Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Độc đáo Ngày Tây Ninh tại Hà Nội
Theo ông Nguyễn Nam Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, trong 2 ngày 7- 8/10, tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm 2023 nhằm hưởng ứng Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2023). Là sự kiện lớn, thu hút rất đông lượng du khách trong nước và quốc tế, đây là cơ hội lớn để Tây Ninh tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, du lịch Tây Ninh đến với du khách, đồng thời góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nói chung, văn hóa, du lịch tỉnh Tây Ninh nói riêng.
Ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, điểm nổi bật của “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm nay là các hoạt động tương tác cùng du khách, tạo nên các trải nghiệm thực tế hấp dẫn. Trong đó, du khách có thể tham gia thử tài hát vọng cổ Nam bộ, cùng các nghệ sỹ, thử múa trống Chhay – dăm cùng các nghệ nhân và thưởng thức các đặc sản Tây Ninh (muối, bánh tráng, trái cây...), tại các gian hàng trưng bày.
Dự kiến 25 đơn vị, doanh nghiệp tham gia 35 gian hàng bày sản phẩm công – nông – thương, sản phẩm OCOP đặc trưng làm nên thương hiệu của mảnh đất Tây Ninh được giới thiệu một cách sinh động, hấp dẫn, như: bánh tráng, muối, đậu phộng, tinh bột mì, trà túi lọc, đường các loại, mật ong, yến sào, các sản phẩm du lịch…
Ông Trần Quốc Thịnh chia sẻ: Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm 2023 cũng là một sự kiện giao lưu văn hóa nghệ thuật độc đáo khi vẻ đẹp con người, mảnh đất Tây Ninh cùng Hà Nội xưa và nay được giới thiệu sống động qua triển lãm ảnh, tranh vẽ. Gần 100 bức ảnh trưng bày tại Vườn hoa tượng đài Vua Lý Thái Tổ không chỉ tái hiện một phần vẻ đẹp của mảnh đất Tây Ninh qua những điểm đến du lịch, di tích lịch sử hấp dẫn, còn giới thiệu những thành tựu nổi bật, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo của vùng đất Tây Ninh đến người dân Thủ đô và du khách.
Bên cạnh đó, 20 bức tranh màu nước độc đáo tái hiện một Hà Nội xưa cũ với những góc phố rêu phong, nên thơ là không gian để du khách khám phá vẻ đẹp cổ kính của xứ kinh kỳ. Đây là những bức vẽ được thực hiện bởi hoạ sỹ Hoàng Phong - Hội viên Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - thành viên Hiệp hội Màu nước Quốc tế IWS.
Trong khuôn khổ “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm 2023, Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch được tổ chức tại Nhà khách Chính phủ với mục tiêu mở ra cơ hội mới cho sự đầu tư hợp tác phát triển du lịch của Hà Nội và Tây Ninh. Ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh hy vọng sau hội nghị xúc tiến, Tây Ninh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực, có tâm, đủ tầm, để đưa Tây Ninh trở thành một cực tăng trưởng mới tại khu vực Nam bộ, đạt đến những mốc thành tựu vượt trội hơn nữa về du lịch. Sự kiện được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của du lịch Tây Ninh, tiến tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh và thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác tại Tây Ninh.
Giang Phương