Du Xuân, ngắm tranh dân gian tứ bình, hiểu thêm về văn hóa dân tộc

Tranh “Bát tiên” - dòng tranh Đông Hồ.Nguồn: hanoimoi.com.vn
Tranh “Bát tiên” - dòng tranh Đông Hồ.Nguồn: hanoimoi.com.vn

“Thứ nhất chơi chữ - thứ nhì chơi tranh”...

Từ xa xưa, chơi tranh là thú vui tao nhã đứng thứ hai của người Việt, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong đó, dòng tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh tứ bình nói riêng với sắc màu rực rỡ, mang ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, như lời chúc bình an, hạnh phúc gửi đến mọi người, mọi nhà nhân dịp Xuân mới rất được ưa chuộng.

Độc đáo những bộ tranh dân gian tứ bình

Bước chân vào không gian trưng bày tranh “Sắc Xuân qua sưu tập tranh dân gian tứ bình của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, chị Minh Hương (Hà Nội) không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên trước vẻ đẹp và sự phong phú về nội dung của những bộ tranh dân gian tứ bình. Chị ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự độc đáo, đa dạng của những bộ tranh bốn mùa thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ. Đó là bộ tranh tứ mùa Xuân - Hạ - Thu – Đông, hay bộ tranh tứ quý Tùng - Cúc - Trúc – Mai... Ở một góc khác, những bộ tranh tứ bình mang nội dung khác như bộ tranh Ngư - Tiều - Canh - Độc (tứ dân), bộ tranh Bát tiên, bộ tranh Tố nữ… Đặc biệt, có những bộ tranh tứ bình đề tài lịch sử và tranh truyện, như bộ tranh tứ bình về Thạch Sanh, Kim Vân Kiều truyện, Quang Trung đưa quân ra Bắc dẹp giặc…

Du Xuân, ngắm tranh dân gian tứ bình, hiểu thêm về văn hóa dân tộc ảnh 1Tranh tứ bình “Quang Trung ra Bắc” - dòng tranh Đông Hồ. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Chị Minh Hương chia sẻ, đến tham quan triển lãm, chị đã biết và hiểu thêm về các dòng tranh dân gian, đặc biệt là được chiêm ngưỡng, tìm hiểu kỹ hơn về những bộ tranh dân gian tứ bình độc đáo, vốn ít khi xuất hiện trong xã hội hiện nay. “Ngoài ngắm tranh, tôi còn đặc biệt ấn tượng với việc được tham gia trải nghiệm các công đoạn để in ra một tác phẩm tranh dân gian ngay trong không gian trưng bày này”, chị Minh Hương hào hứng nói.

Có thể nói, tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh tứ bình nói riêng là sản phẩm tinh thần quý giá của cha ông ta. Mỗi bộ tranh tứ bình xưa được xem như một tổng thể nghệ thuật hoàn chỉnh, hài hòa, tươi mát và đầy tính trữ tình. Tranh tứ bình có nhiều nội dung khác nhau, được các nghệ nhân sáng tác theo từng chủ đề.

Theo họa sỹ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, bộ tranh tứ quý - bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông là chu kỳ tuần hoàn trong vòng một năm của thiên nhiên. Mùa nào cũng cho cuộc đời những hoa thơm trái ngọt dù có trải qua đủ vẻ khắc nghiệt của thời tiết. Mỗi mùa tương tự như chu kỳ vòng đời của một con người trải qua đầy đủ gồm: Ấu thơ (Xuân), trưởng thành (Hạ), chín chắn (Thu), già lão (Đông) như quy luật tự nhiên đã thể hiện: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu héo, Đông tàn. Vì vậy, tranh tứ quý biểu hiện lời chúc tụng cho con người được trọn vẹn vòng đời, được hưởng hạnh phúc gia đình cháu con đông đúc và cuộc sống an nhàn.

Du Xuân, ngắm tranh dân gian tứ bình, hiểu thêm về văn hóa dân tộc ảnh 2Tranh tứ quý “Bốn mùa” - dòng tranh Hàng Trống. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Bộ tranh tứ dân Ngư - Tiều - Canh - Độc lại mang ý nghĩa ca ngợi những người lao động, bình dân yên vui với cuộc sống giản dị quen thuộc, thư thái trong khung cảnh thiên nhiên bình dị. Họ là những ngư dân hàng ngày quăng chài và thả lưới trên sông nước (Ngư), tiều phu đốn củi trong rừng (Tiều), người nông dân cày sâu, cuốc bẫm trên đồng ruộng (Canh), thầy giáo làng, dạy và học chữ của thánh hiền, đạo lý làm người, trau dồi đạo đức tư cách của người có chữ (Độc).

Tranh tứ bình vẽ về đề tài lịch sử là các bộ tranh gồm bốn bức, mô tả các vị anh hùng hay các sự kiện quan trọng trong lịch sử cũng như trong truyền thuyết của dân tộc. Các bộ tứ bình loại này ca ngợi các vị anh hùng, khích lệ tinh thần yêu nước và truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta như bộ tranh Quang Trung mang quân ra Bắc dẹp giặc, hay các bộ tứ bình về minh họa các truyện dân gian của Việt Nam hay Trung Quốc, được đông đảo nhân dân biết đến như: Thạch Sanh, Nhị Độ Mai, Kim Vân Kiều, Tam quốc... Nội dung các câu chuyện thường được nghệ nhân diễn tả theo lối phân cảnh, ước lệ, liên hoàn trong một bộ tranh gồm bốn bức.

Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, tranh tứ bình về đề tài lịch sử và tranh truyện ra đời để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, gắn bó chặt chẽ với đời sống thường nhật của người dân. Các bộ tranh dân gian này thường được treo ở các vị trí trang trọng trong nhà, vừa để trang trí nhưng cũng để tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, chia cảm xúc với các nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên trong các câu chuyện nổi tiếng đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt xưa.

Ngoài ra, còn có những bộ tranh tứ bình Bát tiên kể về những con người đặc biệt đã tu luyện thành tiên, hay bộ tranh Tố nữ - mô tả vẻ đẹp, tài năng của các thiếu nữ thời xưa…

Dòng tranh giá trị, ý nghĩa

Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam có nhiều thể loại: Tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử, tranh cảnh vật, tranh thờ cúng... Hầu như ở thể loại nào, tranh tứ bình cũng có chỗ đứng riêng của mình. Tranh tứ bình là bộ tranh gồm bốn bức, thường có hàm ý ẩn dụ cho bốn giai đoạn trong một năm, bốn giai đoạn trong cuộc đời, bốn giai thoại trong một câu chuyện hoặc bốn vẻ đẹp khác nhau của các cô gái..., thường có những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm. Đó là những lời chúc phúc và mong muốn sự bình an phú quý, gợi cảm giác cho người xem liên tưởng đến sự thanh tịnh, ngắm tranh mà tự coi như mình đang du ngoạn trong trời đất. Cũng vì vậy, tranh tứ bình được dân ta ưa thích treo trang trí trong nhà để đón Xuân hoặc thờ phụng, tùy theo nội dung của mỗi bộ tranh.

Du Xuân, ngắm tranh dân gian tứ bình, hiểu thêm về văn hóa dân tộc ảnh 3Tranh “Tố nữ” - dòng tranh Hàng Trống. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Ông Nguyễn Anh Minh cho biết, bảo tàng tổ chức triển lãm này với mong muốn, qua những bộ tranh này, hậu thế có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa. Thời gian ở đây không phân định theo tuyến tính mà có tính luân hồi, sự vật hữu sinh hữu diệt và tiếp nối theo nhau tạo nên sự đa dạng của sự sống. Điều đó thể hiện giá trị của các dòng tranh dân gian Việt Nam, đồng thời thấy được tài nghệ của các nghệ nhân xưa.

“Hy vọng, sắc màu rực rỡ, tươi mới và những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống của mỗi bộ tranh sẽ là lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp Xuân mới”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tranh tứ bình là loại tranh trang trí mà cha ông ta đặc biệt sử dụng trong dịp Tết để trang trí nhà cửa, song hành cùng với ý nghĩa nhất định để giáo dục truyền thống, nói về ý nghĩa của cuộc đời. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các làng tranh như Hàng Trống, Đông Hồ, Làng Sình… lại sản xuất rất nhiều tranh tứ bình để phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa, đồng thời cũng phục vụ nhu cầu giáo dục truyền thống, giáo dục con cái để truyền thống được tiếp tục cả trong tương lai. Tranh tứ bình có nhiều loại và thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau, từ 4 mùa, 4 đức tính, 4 nghề nghiệp, những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên, của con người cho đến những câu chuyện lịch sử. Tranh xuất phát từ nhu cầu và cũng phù hợp với bối cảnh truyền thống trước kia.

Du Xuân, ngắm tranh dân gian tứ bình, hiểu thêm về văn hóa dân tộc ảnh 4Tranh “Bát tiên” - dòng tranh Đông Hồ.Nguồn: hanoimoi.com.vn

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng, tranh dân gian là dòng tranh có nhiều giá trị tinh thần, ý nghĩa văn hóa, vì vậy mỗi người dân Việt Nam cần hiểu được các giá trị đó để gìn giữ văn hóa dân tộc. Các nhà quản lý văn hóa cũng cần chú trọng các giải pháp để người dân nhận thức đúng, đầy đủ hơn về giá trị, ý nghĩa của tranh dân gian nói chung, tứ bình nói riêng.

Hiện nay, bối cảnh xã hội, thị hiếu của người dân thay đổi, vị trí của tranh tứ bình trong trang trí nhà cửa của mỗi gia đình cũng thay đổi. Các làng tranh dân gian cũng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các nhà quản lý văn hóa cần cố gắng mang tinh thần của dòng tranh này trở lại trong xã hội đương đại. Bởi khi chúng ta hiểu được vẻ đẹp, giá trị tiềm ẩn của dòng tranh dân gian, thì sẽ nuôi dưỡng tình yêu đối với dòng tranh này, từ đó ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của dòng tranh dân gian, cũng như góp phần lan tỏa, tôn vinh và bảo tồn giá trị của văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại.

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm