Vợ chồng nghệ nhân người Bahnar nặng tình với văn hóa dân tộc

Nghệ nhân Đinh Bi (làng Kgiang, xã Kông Lòng Không, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) dù đã ở tuổi 65 nhưng đôi tay vẫn lanh lợi, đôi mắt sáng trau chuốt từng đường nan. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Nghệ nhân Đinh Bi (làng Kgiang, xã Kông Lòng Không, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) dù đã ở tuổi 65 nhưng đôi tay vẫn lanh lợi, đôi mắt sáng trau chuốt từng đường nan. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Dù đã bước qua tuổi “tri mệnh chi niên” nhưng đôi vợ chồng Đinh Bi và Đinh Thị Hiền, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) vẫn ngày ngày miệt mài với công tác gìn giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc Bahnar.

Vợ chồng nghệ nhân người Bahnar nặng tình với văn hóa dân tộc  ảnh 1Nghệ nhân Đinh Bi (làng Kgiang, xã Kông Lòng Không, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) dù đã ở tuổi 65 nhưng đôi tay vẫn lanh lợi, đôi mắt sáng trau chuốt từng đường nan. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Giữa bức tranh muôn màu của vô vàn nét văn hóa đặc sắc, bản làng nơi gia đình đôi vợ chồng nghệ nhân sinh sống vẫn luôn vang âm thanh kẽo kẹt của khung quay sợi, tiếng tí tách của tre, mây qua đôi bàn tay đã vằn vện những vết nhăn của thời gian.

Hơn 40 năm trước, bà Đinh Thị Hiền khi đó là cô gái trẻ được người làng mai mối với 1 thanh niên mồ côi lại bị tật nguyền - Đinh Bi. Bà nhận lời bởi cảm mến người đàn ông có đôi tay tài hoa biết vượt qua nghịch cảnh, ông mến bà không chỉ vì bà xinh đẹp mà còn là cô gái dệt đẹp nhất vùng. Suốt chừng ấy năm gắn bó, những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình được ông bà nâng niu, trau chuốt. Mặc cho những guồng quay bên ngoài hối hả, trong căn nhà của đôi vợ chồng già này vẫn dìu dặt thanh âm của khung cửi, của tiếng chuốt tre mỗi ngày.

Dù đã ở tuổi 65 nhưng đôi tay gầy guộc của già Đinh Bi vẫn thuần thục với những đường dao sắc lẹm. Trải qua 40 năm “thực hành”, thao tác chuốt nan, lên hình hài cho gùi, nong, nia, rỏ, rá… nay đã đạt đến độ tinh xảo. Tỉ mẩn với những đường dao, rít mạnh tẩu thuốc, nghệ nhân Đinh Bi cho biết, để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar tự tạo ra các vật dụng như gùi đựng, rổ, rá, nong, nia… Sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa giàu bản sắc văn hóa của người Bahnar, được thấy cha ông lên hình hài cho các vật dụng, nét văn hóa đó đã ăn sâu vào ông. Đến nay đã hơn 40 năm tôi luyện trong kho tàng tri thức dân gian, ông đã không ngừng sáng tạo và đạt đến trình độ cao về kỹ nghệ trong nghề.

Vợ chồng nghệ nhân người Bahnar nặng tình với văn hóa dân tộc  ảnh 2Nghệ nhân Đinh Thị Hiền tỉ mẩn với công việc dệt vải - một trong những công đoạn để lưu truyền cho thế hệ mai sau. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

“Trước đây, còn khỏe còn đi lấy tre, nứa, lồ ô về làm vật liệu đan lát, nhưng giờ muốn đi cũng không được nữa. May có con cái trong nhà phụ giúp việc lấy nguyên liệu. Nhờ thường xuyên đi tìm nguyên liệu, giúp mình việc này việc khác mà con cái cũng yêu thích nghề truyền thống này. Mình không đi lại được nhưng ngày nào cũng đan và dạy cho người khác. Nhiều người trong làng được mình truyền dạy giờ đã biết làm ra một số sản phẩm có hoa văn rất đẹp”- ông Đinh Bi rít nhẹ tẩu thuốc, hào sảng chia sẻ.

Chồng tài hoa, vợ cũng chẳng kém. Trau chuốt với từng đường chỉ muôn vàn màu sắc, hình hài của tấm thổ cẩm rực rỡ hiện lên qua từng đợt dập sợi, nghệ nhân Đinh Thị Hiền cho rằng, chất liệu thổ cẩm phải giữ được bản sắc của dân tộc. Vì thế, dù khi hầu hết phụ nữ làng Kgiang mua chỉ công nghiệp để giản lược các công đoạn làm ra một tấm thổ cẩm thì nghệ nhân Đinh Thị Hiền vẫn giữ cách làm cũ, tự trồng bông dệt vải, kéo sợi, nhuộm màu.

Vợ chồng nghệ nhân người Bahnar nặng tình với văn hóa dân tộc  ảnh 3Nghệ nhân Đinh Thị Hiền (bên phải ảnh) tỉ mẩn với công việc dệt vải. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Bà Hiền cho biết: Dùng sợi dệt do mình làm ra, tấm thổ cẩm mới có hồn. Nên mình vẫn sử dụng vật liệu dệt truyền thống. Cây bông trồng 1 năm mới thu hoạch (thường từ tháng 3 năm này đến tháng 3 năm sau). Loại cây này có thể thu hoạch trong 5 năm mới phải trồng lại. Sau mỗi lần thu hoạch bông, mình thường cất hạt để trồng vụ mới dù hiện trong làng giờ không còn mấy người làm như vậy.

Cũng vì tâm niệm đó mà sau khi lập gia đình và sinh liên tiếp 4 đứa con, nghệ nhân Đinh Thị Hiền vẫn luôn dành thời gian cho nghề dệt, đặc biệt các con gái và con dâu đều được bà truyền nghề. Nặng tình với văn hóa dân tộc, bà còn say mê dạy cho người dân trong làng và vùng lân cận để lưu giữ, nhân rộng nghề. Các sản phẩm của bà làm ra đều thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao.

Dành trọn cả cuộc đời để bảo tồn bản sắc, văn hóa nghề truyền thống tuy nhiên ông bà vẫn còn đó nỗi trăn trở. Theo ông bà, hiện nay người dân trong làng chủ yếu dùng hàng nhựa, hàng sản xuất sẵn bởi vậy không còn nhiều người mặn mà với nghề đan lát, dệt vải. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm do mình làm ra cao, trong khi đời sống còn nhiều khó khăn. Vì thế, để duy trì và phát triển nghề đòi hỏi mọi người cần phải nêu cao tinh thần dân tộc, tự tôn với nghề. Trên tất cả, đó là ước nguyện giữ gìn bản sắc văn hóa không bị mai một và nghề đan lát, dệt vải mãi là niềm tự hào, nét đẹp của văn hóa Bahnar.

Vợ chồng nghệ nhân người Bahnar nặng tình với văn hóa dân tộc  ảnh 4Các sản phẩm của nghệ nhân Đinh Đi đạt đến độ tinh xảo, mỹ thuật cao. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Với trình độ cũng như những đóng góp của mình, gia đình vợ chồng nghệ nhân là địa chỉ tin cậy thu hút các đoàn tham quan, nghiên cứu về nghề thủ công truyền thống của người Bahnar tìm đến. Đóng vai trò nòng cốt nên ông bà thường xuyên góp mặt tại các sự kiện văn hóa quan trọng của xã, huyện Kbang và tỉnh Kon Tum. Năm 2018, ông bà vinh dự được chọn là nghệ nhân tiêu biểu tham gia hoạt động trình diễn dệt thổ cẩm, đan lát tại Bảo tàng tỉnh nhân kỷ niệm 15 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO vinh danh. Đặc biệt, ông bà đã có tên trong danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2021 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Quang Thái - Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm