Vừa qua, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Paris (Pháp), hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Tiêu biểu là ở các huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên; huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, về cơ bản, xòe có ba loại chính: xòe nghi lễ, xòe biểu diễn và xòe vòng. Các điệu xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với đạo cụ, vì thế được gọi theo tên các đạo cụ như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa... Xòe vòng là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người, đây cũng là điệu xòe phổ biến nhất.
Thống kê cho thấy, người Thái có đến trên 30 điệu xòe nhưng tất cả đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ (6 điệu xòe cơ bản). Đó là điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu; “Phá xí” - bổ bốn; “Đổn hôn” - tiến lùi; “Nhôm khăn” - tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” - nắm tay. Điệu xòe giúp con người quên đi những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, để rồi sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường, con người thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn. Tham gia múa xòe, các đôi trai gái cũng được gần nhau hơn, có dịp để thể hiện tình cảm riêng tư của mình…
Với những giá trị về tinh thần không thể phủ nhận qua thời gian, đến nay Nghệ thuật Xòe Thái hiện vẫn đang được duy trì và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa tới nhiều dân tộc khác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Là một vũ điệu dân gian, Xòe Thái đã được quan tâm và phát triển thành loại hình mang tính biểu diễn. Năm 2019, tỉnh Yên Bái có khoảng 180 đội xòe, Điện Biên có 1.273 đội xòe, Lai Châu hơn 100 đội xòe và Sơn La khoảng 1.700 đội xòe, tạo nên một lực lượng hùng hậu trong việc trình diễn, trao truyền và sinh hoạt văn hóa.
Việc UNESCO ghi danh hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.
DTMN