Một trong những nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là ưu tiên thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm và khoáng sản có chất lượng thấp. Đây cũng là nội dung trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch) vừa được ban hành trong Quyết định 711/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ngày 24/7/2024.
Cũng tại Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, một số quy định nhằm thu hồi tối đa khoáng sản và bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đã được đưa ra và nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành.
Theo đó, quá trình xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, một trong những nguyên tắc của hoạt động khoáng sản là khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.
Đối với quy định về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác, Dự thảo Luật cũng đề cập đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, trong đó có thu hồi tối đa khoáng sản. Cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản khi khai thác khoáng sản phải ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác. Nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.
Nhằm đảm bảo việc khai thác, tận dụng triệt để, không gây lãng phí tài nguyên có giá trị như nhiệm vụ tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, nhiều chuyên gia thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam đề nghị nghiên cứu cơ chế phù hợp với các doanh nghiệp thực hiện hoạt động thu hồi khoáng sản đi kèm. Trong đó, có thể cân nhắc một số nội dung như: Không thu tiền cấp quyền khoáng sản với khoáng sản đi kèm (trừ trường hợp đã có cơ sở để xác định rõ trữ lượng cần thu hồi); các loại thuế, phí đối với khoáng sản đi kèm sẽ được tính trên cơ sở khối lượng khoáng sản đi kèm là thành phẩm cuối cùng đã thu hồi được; mức phí bảo vệ môi trường với khoáng sản đi kèm được tính như trường hợp khai thác tận thu khoáng sản.
Đề xuất xây dựng cơ chế để doanh nghiệp có cơ sở thu hồi tối đa khoáng sản, ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, để đảm bảo việc khai thác, tận dụng triệt để, không gây lãng phí tài nguyên có giá trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cân nhắc xây dựng cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp có cơ sở thu hồi tối đa khoáng sản có ích cũng như khoáng sản đi kèm. Đồng thời, đồng bộ hóa hệ thống quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản với các quy định pháp luật chuyên ngành khác, ví dụ như pháp luật về môi trường, về thuế, phí áp dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản, để tránh những bất cập, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình thực thi.
Thực tế, công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến hiện nay cho phép việc thu hồi thêm các khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản. Do vậy, theo ông Mai Thế Toản, các quy định tại Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần phù hợp với thực tế khai thác để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thêm nhằm thu hồi khoáng sản đi kèm.
Diệu Thúy