Hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành văn bản số 4766/BTNMT-KSVN gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng về việc hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, địa phương, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ về cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ thêm về thủ tục đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác như sau:

Hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ảnh 1Trong diện tích 406 hecta quy hoạch khai thác khoáng sản cát trắng đã được cấp phép của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương có khu vực 7, 8 chồng lấn với khu nghĩa trang lâu đời của người dân xã Phong Hiền, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN

Về thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thực hiện xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản (sau đây gọi là Bản xác nhận khối lượng khai thác) trong Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công Dự án...

Về bảo vệ môi trường, đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở các đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông; tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông.

Về khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng, đối với các mỏ đã được khảo sát, thăm dò xác định chất lượng, trữ lượng trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công Dự án...

Trường hợp trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa có số liệu về tài nguyên, trữ lượng, địa phương chỉ đạo việc thực hiện khảo sát nhanh mà không phải thực hiện các thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản (không quy định mức độ xác định cấp tài nguyên, trữ lượng). Địa phương cân nhắc mức độ khảo sát, đánh giá để có số liệu lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Kết quả khảo sát sẽ được sử dụng để lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Việc khảo sát nhanh có thể tham khảo một số bước cần thiết theo Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13/1/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp.

Xác định kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản, UBND cấp tỉnh căn cứ khối lượng khoáng sản theo Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác (được xác định tại mục 3), tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở xác định các nghĩa vụ tài chính liên quan để yêu cầu nhà thầu thực hiện. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chính thức được tính theo sản lượng khai thác thực tế và thu theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP...

Liên quan đến việc xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do nhà nước đầu tư (trong đó có đơn giá tính chi phí hoàn trả) được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư; Thông tư số 23/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về tổ chức xác định, thẩm định và phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư.

Trường hợp chi phí thăm dò khoáng sản do các tổ chức, cá nhân khác đã đầu tư, theo đó, việc hoàn trả được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Cụ thể, được thực hiện với nguyên tắc “tự thỏa thuận” theo pháp luật về dân sự. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép quyết định chi phí đã đầu tư phải hoàn trả theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.

Về thu hồi, sử dụng đất, đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai, các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật.

Các khu mỏ đất không thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định, sẽ thuộc trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai. Do đó, Chủ đầu tư thực hiện sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm