Dư địa lớn phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Trong 2 ngày (1 - 2/6), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết, hiện dư địa để phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk còn rất lớn, đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Dư địa lớn phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk ảnh 1Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Các thành viên Hội đồng OCOP đã tiến hành chấm điểm đánh giá, phân hạng cho 30 sản phẩm của 5 huyện, thành phố. Sau khi xem xét, đánh giá hồ sơ các sản phẩm, Hội đồng OCOP tỉnh Đắk Lắk đã chọn được 25 sản phẩm để xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm OCOP 4 sao. Trong đó, 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: Gạo ST25 Ea Kar (Hợp tác xã Nông nghiệp 714) và Hạt mắc ca (Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Nam Linh DM) của huyện Ea Kar; các sản phẩm cà phê bột rang mộc nguyên chất Ea Tu CAFÉ R&A và Ea Tu Café đặc sản (Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu), nấm mèo Thành Đồng và nấm linh chi Thành Đồng (Công ty cổ phần phần thực phẩm xanh Thành Đồng) của thành phố Buôn Ma Thuột; sản phẩm gạo Nhật Minh (Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết, sau đợt đánh giá này, tỉnh Đắk Lắk có 110 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh còn thấp hơn so với trung bình của cả nước. Mặt khác, tỉnh Đắk Lắk có quy mô sản xuất nông nghiệp lớn với nhiều tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đa dạng, độc đáo, phong phú. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh về nông nghiệp. Tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, nét độc đáo, thế mạnh vùng miền địa phương trong các sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, mặc dù chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk khá nổi bật, được giới chuyên môn và các tỉnh, thành đánh giá cao song giá trị thương mại mang lại cho chủ thể của sản phẩm OCOP chưa nhiều.

Dư địa lớn phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk ảnh 2Giới thiệu sản phẩm OCOP tới đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP được thụ hưởng nhiều sự hỗ trợ từ tỉnh. Tỉnh đã triển khai Đề án phát triển trung tâm, điểm bán hàng giới thiệu sản phẩm OCOP.

Hiện nay, tỉnh đã thí điểm mở 2 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP tại thành phố Buôn Ma Thuột, hoạt động khá hiệu quả và sẽ tiếp tục mở rộng các điểm ở nhiều nơi trong năm 2023. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP thông tin thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã, xây dựng thương hiệu và truyền thông, phát triển thị trường.

Đặc biệt, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản trao đổi với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh, thành để cung cấp danh sách sản phẩm OCOP của tỉnh cùng phương thức liên lạc cụ thể để tạo điều kiện kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Sở đang tích cực hợp tác, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, đặc biệt là công nghệ số cho các chủ thể của sản phẩm OCOP.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Đức Côn nhấn mạnh, xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia Chương trình theo đúng quy trình OCOP, nhằm đảm bảo các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận. Ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể từ gốc sản xuất để đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm