Đồng Tháp phát triển vùng trồng lúa được cấp mã số lên hơn 52.700 ha

Đồng Tháp phát triển vùng trồng lúa được cấp mã số lên hơn 52.700 ha

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp ban hành các kế hoạch hành động cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thực hành sản xuất an toàn gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu đến năm 2025, Đồng Tháp cấp mã số vùng trồng lúa đạt 100% diện tích. Năm 2022, diện tích cấp mã số vùng trồng lúa là 52.777ha.

 Nổi bật cấp mã vùng trồng lúa năm 2022 có huyện Tháp Mười, vừa qua huyện Tháp Mười có trên 2.300 ha lúa đủ điều kiện được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã vùng trồng lúa. Các ngành chuyên môn tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra hồ sơ kỹ thuật và khảo sát thực địa tại 6 vùng trồng lúa đề nghị cấp mã số vùng trồng ở xã Mỹ Đông và 6 vùng trồng lúa đề nghị cấp mã vùng trồng ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Qua kiểm tra, đánh giá, 12 mã vùng trồng ở 02 xã đáp ứng TCCS 774:2020/BVTV, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU và đã được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã vùng trồng.

Đồng Tháp phát triển vùng trồng lúa được cấp mã số lên hơn 52.700 ha ảnh 1 Bà con nông dân xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Theo đó, xã Láng Biển được cấp mã vùng trồng lúa 1.246 ha, sản xuất giống lúa Đài Thơm 08 và OM 18; xã Mỹ Đông có 1.095 ha, sản xuất giống lúa OM 18 được cấp mã vùng trồng. Tháp Mười đề ra mục tiêu, đến cuối năm 2022, có 6.977 ha lúa, được cấp mã số vùng trồng.

Để đạt các quy định cấp mã vùng trồng, tỉnh Đồng Tháp chú trọng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thống nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP,..) hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường. Đồng thời, đảm bảo số hóa vùng trồng, đồng thời các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh, chế biến; phát triển hợp tác xã, hội quán tại các vùng sản xuất để thống nhất quản lý và phát triển, đảm bảo cân đối cung cầu. Cùng đó, xây dựng và nhân rộng diện tích sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tỉnh Đồng Tháp cũng sản xuất lúa theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao và theo nhu cầu thị trường; tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua giảm chi phí phân, thuốc, giống. Ngoài ra, nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích giống xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản; phấn đấu nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa từ 35-40%, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.

Tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo người nông dân áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bền vững (IPM, 3G3T, 1P5G, SRP, ...), quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa hữu cơ,...). Bên cạnh đó, tỉnh chủ động điều tiết cung, mở rộng thị trường, tăng cường liên kết kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo, chế biến phụ phẩm, cải thiện công tác vận tải và hậu cần hỗ trợ tiếp thị, phát triển thị trường xây dựng hương hiệu lúa gạo Đồng Tháp.

Tỉnh Đồng Tháp thúc đẩy phát triển chế biến sâu các sản phẩm từ gạo và phụ phẩm; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, khai thác tiềm năng chế biến sâu lúa gạo để tăng thêm hiệu quả của chuỗi giá trị như: dầu gạo, bánh gạo, bột gạo, các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng từ gạo, mỹ phẩm từ gạo,... để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm