Mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vụ Hè Thu. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải - TTXVN |
Thực hiện tốt chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp xác định 5 ngành hàng là 3 cây, 2 con: lúa, hoa cảnh, xoài, cá tra và vịt; trong đó, ngành hàng lúa được chọn là chủ lực. Để thực hiện tốt cho ngành hàng lúa gạo tỉnh tuyển chọn giống tốt, sản xuất lúa sạch, sản xuất lúa theo mô hình liên kết, cánh đồng sản xuất lúa hiện đại… đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa tạo động lực mạnh cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Năm nay, Đồng Tháp khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình sử dụng phân bón thông minh, cài vùi phân bón, cấy lúa bằng máy, giảm giá thành sản xuất lúa ở huyện Tam Nông và Tháp Mười; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở huyện Hồng Ngự…
Để sản xuất lúa chất lượng, dễ tiêu thụ, vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu năm nay, tỉnh thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ lúa hơn 25.000 ha, tập trung ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và thị xã Hồng Ngự. Hiện có 53 doanh nghiệp, công ty tham gia liên kết và người trồng lúa trong mô hình liên kết được hưởng lợi từ 150-200 đồng/kg.
Anh Lê Văn Phụng ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười có diện tích 6 ha lúa. Anh đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để nhân giống lúa nguyên chủng loại giống OM 4218, bán với giá cao hơn không liên kết là 800 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ở Đồng Tháp có nhiều phương thức liên kết được thực hiện với doanh nghiệp để rút ngắn và khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ ổn định góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.
Đối với việc đưa tiến bộ vào sản xuất lúa sạch, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho hay, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai đưa 20 đề tài, dự án khoa học ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp; trong đó, có việc đưa vào thực hiện cho ngành hàng lúa gạo như áp dụng sản xuất lúa sạch ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường.
Ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường cho biết, hợp tác xã sử dụng 10 ha đất sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để cho ra sản phẩm “gạo sạch”. Sau thu hoạch, năng suất bình quân đạt trên 6,5 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất hơn 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn so với làm ngoài mô hình trên 13 triệu đồng/ha.
Tỉnh còn phát triển mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình 2,4 triệu đồng đó là mô hình được thực hiện tại xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười; cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại ở ấp 4 xã Đốc Binh Kiều với diện tích 96 ha, có 70 hộ tham gia.
Thu hoạch lúa Đông Xuân tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại với phương châm: giảm giống, giảm phân, giảm thuốc, ứng dụng vào cơ giới sản xuất lúa, thực hiện khép kín từ khâu gieo sạ, đến khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Kết quả giúp người trồng lúa giảm chi phí, nên lợi nhuận cao hơn lúa ngoài mô hình.
Để có lúa chất lượng cao, các hộ nông dân còn cần những giống tốt, tỉnh đã xác định các bộ giống lúa cho sản xuất ở địa phương từ 3-4 giống lúa chủ lực; 3-4 giống lúa bổ sung; 2-3 giống lúa mới có triển vọng…Thắng lợi trên sản xuất lúa là nhờ bà con nông dân toàn tỉnh hiện nay thực hiện trên 32% diện tích áp dụng sạ hàng, sạ thưa, 62% sử dụng giống xác nhận và 100% thu hoạch bằng máy...
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về xây dựng các mô hình nông nghiệp, ngành sẽ tập trung các mô hình lớn mang tính đột phá, hướng vào chiều sâu của đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao, xuất khẩu.
Nguyễn Văn Trí