Đồng Tháp chuyển hơn 10.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao

Đồng Tháp chuyển hơn 10.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao

Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa từ năm 2021 đến nay hơn 10.000 ha; trong đó, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm là gần 5.000 ha.

Đồng Tháp chuyển hơn 10.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao ảnh 1Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình thu hoạch xoài bao trái. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Cây trồng chuyển đổi chủ yếu hoa màu là cây bắp, mè, ớt, khoai lang, khoai môn, kiệu, sen, rau đậu các loại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâu năm, chủ yếu là xoài, cam, quýt, mít, chanh, nhãn... Nhìn chung, hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa màu sẽ cho lợi nhuận tăng gấp từ 2 - 3 lần. Trồng cây lâu năm lãi gấp từ 2 - 8 lần trồng lúa.

Theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên lúa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xoá bỏ việc độc canh cây lúa góp phần quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Bình quân 1 ha trồng xoài, mít, nhãn , chanh… cho lợi nhuận từ 50-200 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp từ 2 - 8 lần trồng lúa.

Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười cho biết, năm 2020, anh đã chuyển 1 ha đất trồng lúa sang trồng mít Thái. Trung bình mỗi tháng, mít Thái cho thu hoạch từ 3-4 đợt trái với số lượng từ 500-700 kg/ha. Tính ra 1 năm anh thu lãi hơn 600 triệu đồng và năm đầu tiên anh đã thu lại toàn bộ chi phí cho việc chuyển đất lúa lên trồng mít Thái. Hiện nay, dù giá mít xuống còn hơn 10.000 đồng/kg, nhưng anh vẫn có lãi cao hơn so với trồng lúa.

Ở tỉnh Đồng Tháp việc cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít rất đơn giản là chỉ cần đào ao lên líp là trồng được mít và hiện nay trồng mít nhiều nhất là giống mít Thái siêu sớm. Sở dĩ nhiều hộ dân chọn giống cây này bởi thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, cây mít Thái thích nghi với thổ nhưỡng đất đai ở Đồng Tháp, dễ trồng, năng suất và sản lượng cao, mít dòn, ngọt, thơm ngon, cho nhiều múi, ít xơ. Bình quân mỗi cây mít Thái cho ra từ 2-3 quả mỗi mùa vụ, mỗi quả nặng từ 4-9 kg. Mít Thái ở Đồng Tháp không chỉ bán mít tươi mà còn có cơ sở sấy đóng gói tiêu thụ trong nước và nước ngoài.

Vừa qua, gia đình chị Mai Thị Thoa ở xã Tân Hội, thành phố Hồng Ngự chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng sen kết hợp du lịch đã có thu nhập gấp từ 2-3 lần so với trồng lúa.

Chị Thoa cho biết, chị chuyển 1 ha đất trồng lúa mỗi vụ lãi 20 triệu đồng/ha sang trồng sen. Sau hơn 3 tháng trồng chăm sóc giống sen Đài Loan, chị có thể bán gương sen tại chỗ cho khách qua đường. Nhờ sen mới hái từ ruộng lên ngọt nên khách rất ưa thích và có ngày bán khoảng 100kg sen, cao hơn bán tại chợ.

Cùng với bán gương sen, người đi đường ghé mua và chụp hình tại ruộng sen ngày càng đông. Từ đó, chị quyết định đầu tư thêm các tiểu cảnh tại ruộng sen như: xây 2 cây cầu bằng tràm để khách lên tham quan, chụp ảnh; xây dựng các bè cây bằng tre để khách bước xuống ruộng sen, và trang trí xuồng, xây cầu khỉ để du khách chụp ảnh... Theo chị Thoa, nhờ cảnh đồng sen thơ mộng nên khách rất ưa thích, có ngày trên 100 khách đến tham quan.

Còn anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cho biết, gia đình anh trồng 4 ha sen, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng. Với diện tích sen trên đất lúa mùa lũ hiện có, gia đình anh còn kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho khách tham quan vùng trồng sen mùa lũ bằng thuyền, khách du lịch thưởng thức các món ăn từ sen, cho nên tăng thêm lợi nhuận. Hệ thống luân canh này giúp giảm sâu bệnh cho vụ lúa sau vì nó cắt sự có mặt liên tục của lúa, là nơi ở thích hợp cho sâu bệnh sinh sôi nảy nở.

Theo đánh giá của các địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa rất phù hợp với nhu cầu thực tế do giá bán các nông sản khác cao hơn lúa. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái được các ngân hàng cho vay trung và dài hạn để sản xuất.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân. UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin năm 2022 sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa khoảng 9.400ha.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm