Tuy tỉnh Đồng Tháp nằm sâu trong đất liền, có sông Tiền và sông Hậu chảy qua nhưng ngành chức năng dự báo tình hình thiếu nước sinh hoạt, sản xuất có thể xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Đáng quan tâm là thị trấn Cái Tàu Hạ và một số xã của huyện Châu Thành có thể chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Trước tình hình này, UBND huyện và các ngành, đơn vị liên quan cùng người dân ở huyện Châu Thành tích cực chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó khi độ mặn trong nước lên cao.
Vườn sầu riêng rộng 1 ha của ông Lê Thanh Điền ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành đang mang quả và phát triển tốt. Tuy nhiên, vài tháng qua, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ở những địa phương ngoài tỉnh, khiến ông Điền lo lắng. Do ở gần con sông Tiền, nguồn nước dồi dào nên vấn đề ông bận tâm không phải thiếu nước tưới mà là nguy cơ nước bị nhiễm mặn.
Ông Lê Thanh Điền cho rằng, sầu riêng là loại cây rồng đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao nhưng loại cây này rất khó tính, dễ mẫn cảm với nước nhiễm mặn. Trường hợp vô tình dùng nước bị nhiễm mặn chỉ từ 0,3 ppt (0,3 phần nghìn) tưới cho vườn sầu riêng là cây sẽ bị ảnh hưởng, kém phát triển, quéo đọt non. Còn nếu không biết nước nhiễm mặn, không phát hiện kịp thời, cứ tưới nhiều lần là cây sẽ chết dần dần.
Theo ông Lê Thanh Điền, tuy độ mặn trong nước ở khu vực vườn dưới 0,3 ppt nhưng ông vẫn nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó với mặn xâm nhập. Hằng ngày, ông dùng bút đo độ mặn của nguồn nước dưới rạch Xẻo Trầu, trước khi vận hành máy bơm, tưới cho vườn sầu riêng để không tưới nhằm nước nhiễm độ mặn cao. Cùng với đó, để giảm lượng nước cũng như công tưới nước, ông áp dụng biện pháp tưới phun và không diệt cỏ dại trên mặt vườn để giữ ẩm cho đất.
Ông Huỳnh Ngọc Thái ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành cũng đã có giải pháp chủ động phòng, chống mặn xâm nhập từ xa, từ sớm để bảo vệ gần 2 ha vườn trồng nhãn và sầu riêng của gia đình. Ông Thái chia sẻ, ông cải tạo hệ thống kênh, mương trong vườn và đã dự trữ nước. Ông thường xuyên theo dõi thông tin về độ mặn của nước được phát qua hệ thống loa của Trạm truyền thanh xã. Nếu tình hình nước ngoài sông nhiễm mặn cao, ông sẽ thay vòi tưới tiết kiệm nước. Bằng cách này, lượng nước sẵn có trong vườn có thể tưới khoảng 1 tháng.
Huyện Châu Thành phía Đông giáp thành phố Vĩnh Long, phía Nam giáp huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), phía Bắc giáp sông Tiền, là 1 trong 2 con sông lớn ở miền Tây Nam bộ. Huyện Châu Thành có diện tích trồng cây ăn quả hơn 8.825 ha; trong đó, sầu riêng khoảng 1.197 ha, nhãn hơn 2.670 ha… Qua kiểm tra độ mặn trong nước của ngành chuyên môn, một số địa phương trong huyện nhiễm mặn mức độ nhẹ, nhưng trên địa bàn xã Hòa Tân có ngày ghi nhận độ mặn 0,31 ppt.
Theo UBND huyện Châu Thành, qua rà soát, một số khu vực trong huyện có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn là thị trấn Cái Tàu Hạ và các xã Hòa Tân, Phú Long, Tân Bình, An Hiệp, An Nhơn, An Khánh, An Phú Thuận, Phú Hựu… Việc ảnh hưởng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp bởi nơi đây tập trung trồng cây ăn quả, nhất là nhãn và sầu riêng, cùng với đó là vùng trồng rau (xã Tân Bình). Vì vậy UBND huyện đã chỉ đạo Trung Tâm dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với mặn và thiếu nước tưới bằng nhiều biện pháp.
Lãnh đạo huyện Châu Thành cho hay, trong quá trình thực hiện đo độ mặn và dự báo, trường hợp độ mặn có nguy cơ ảnh hưởng đến địa phương, UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thông báo đến tập thể, cá nhân trong khu vực sản xuất, nhanh chóng đóng cống trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất (khu vực cồn An Hòa, xã An Nhơn; cồn Bạch Viên xã An Nhơn và Tân Nhuận Đông); đối với những khu vực còn lại sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân tích trữ nước tại chỗ để phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, ngay từ đầu mùa khô năm nay, đơn vị đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Huyện hỗ trợ, trang bị cho 12/12 xã, thị trấn 24 bút thử độ mặn của nước để theo dõi sát diễn biến độ mặn trên sông, kênh, rạch; báo cáo hằng ngày về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Đơn vị rà soát những tuyến ô bao xuống cấp và kênh, mương bị bồi lắng để tham mưu, tiến hành nâng cấp, nạo vét phục vụ tưới tiêu.
Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Trương Thị Xuân Ngân cho biết, đơn vị phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân những giải pháp để chủ động ứng phó khi mặn xâm nhập. Bà con nâng cao tinh thần cảnh giác, có ý thức chủ động chuẩn bị ao, mương trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tưới tiết kiệm nước. Một số người dân tự trang bị bút thử độ mặn để kiểm tra hàng ngày. Đối với những hộ không có thiết bị kiểm tra độ mặn thì thường xuyên theo dõi thông báo của UBND xã. Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại liên quan đến sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Nhựt An