Ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong dự báo và ứng phó hạn mặn

Dù không có mức độ gay gắt như các tỉnh lân cận nhưng tình hình xâm nhập mặn kéo dài tại Vĩnh Long đã ảnh đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Với việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dự báo kết hợp tận dụng các thiết bị công nghệ (như: máy đo độ mặn, điện thoại di động, nền tảng mạng xã hội), tỉnh đã kịp thời đưa ra các cảnh báo về tình hình hạn mặn, giúp các địa phương triển khai hiệu quả giải pháp ứng phó. Qua đó, phát huy vai trò chủ động, linh hoạt của người dân trong áp dụng các giải pháp phù hợp với từng khu vườn, thửa ruộng của gia đình.

vna_potal_vinh_long_chu_dong_ung_pho_han_man_bao_ve_doi_song_san_xuat_7269319.jpg
Cống Vũng Liêm ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) góp phần bảo vệ nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

* Chuyển đổi số từ chính quyền đến người dân

Để nâng cao hiệu quả công tác quan trắc, theo dõi diễn biến độ mặn xâm nhập, Vĩnh Long đã triển khai hệ thống đo mặn tự động ở một số điểm lấy nước của các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Các thiết bị đo mặn tự động có kết nối internet, cập nhật số liệu độ mặn truyền về phần mềm trên điện thoại di động thông minh. Nhờ đó, trong các đợt hạn mặn vừa qua, chính quyền địa phương và người dân đã nắm bắt kịp thời, có những giải pháp vận hành cống ngăn mặn, trữ ngọt, tưới tiêu phù hợp.

Xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) đã được hỗ trợ lắp đặt 2 hệ thống quan trắc nước tự động. Nhờ đó đã cung cấp kịp thời và chính xác thông tin tình hình độ mặn. Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước Trần Minh Cảnh, để thông tin được phát đi đồng loạt, rộng rãi, kèm theo những hướng dẫn cụ thể trong triển khai giải pháp ứng phó phù hợp, địa phương đã thành lập nhóm trên nền tảng Zalo với thành viên là hầu hết nông dân trên địa bàn. Với các thông tin được tiếp cận, người dân dễ dàng nắm bắt được thời gian xâm nhập mặn, độ mặn, mức độ gay gắt và triển khai các giải pháp ngăn mặn, nạo vét kênh mương, tăng thể tích trữ nước, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất trong mùa hạn mặn.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng có ý thức tự trang bị máy đo để chủ động kiểm soát độ mặn nguồn nước dự trữ trong vườn. “Việc đầu tư trạm quan trắc và tận dụng các nền tảng thông tin, thiết bị di động đã phát huy hiệu quả. Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tính chủ động của người dân khi canh tác trong mùa hạn mặn. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tận dụng các nền tảng công nghệ này, thường xuyên liên hệ đơn vị chức năng kiểm tra, bảo trì hệ thống quan trắc mặn để đảm bảo chính xác trong dự báo; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động nắm bắt thông tin, tăng ý thức cảnh giác để nâng cao năng lực phòng, chống hạn mặn” - Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết thêm.

Có hơn 8.000 mét vuông vườn chôm chôm và sầu riêng, mỗi đợt hạn mặn, gia đình bà Hồ Thị Phê (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) tích cực theo dõi thông tin. Trước đây, bà phải nghe ngóng thông tin từ những người xung quanh. Hiện nay, bà đã chủ động hơn trong việc nắm bắt các thông tin thông qua hệ thống loa truyền thanh, nhóm thông tin phòng, chống hạn mặn trên Zalo. Với các thông tin này, bà đã kịp thời tích trữ nước tưới cho mỗi đợt nước mặn xâm nhập. Bà đã mạnh dạn đầu tư các hệ thống tưới tiêu hiện đại để tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công.

“Bây giờ tân tiến lắm, nông dân mở điện thoại xem mỗi ngày là biết nước mặn xâm nhập tới đâu. Khi nước mặn gần tới, địa phương thông báo, mình đóng cống không cho nước vào. Nhờ vậy, mấy mùa nay vườn cây không bị nhiễm mặn nữa” - bà Hồ Thị Phê chia sẻ.

* Nâng cao hiệu quả công tác dự báo và thông tin

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Vĩnh Long, để chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp công trình. Địa phương chú trọng công tác thông tin dự báo nhằm giúp người dân cập nhật nhanh và chính xác các thông tin, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt và có giải pháp tưới tiêu hợp lý trong mùa khô. Kết quả đo mặn hàng ngày do Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đo từ 8 trạm cố định đã được thông tin nhanh qua hệ thống tin nhắn SMS đến gần 1.800 đầu số là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, xã; đồng thời, được phát trên sóng phát thanh và sóng truyền hình, các nhóm thông tin để truyền tải rộng rãi đến người dân.

Là đơn vị có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhanh chóng và chính xác các dự báo về tình hình hạn mặn, từ đầu mùa khô 2023 - 2024, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng việc áp dụng chuyển đổi số trong công tác quan trắc, thu thập, lưu trữ dữ liệu và dự báo; đồng thời nâng cao năng lực của dự báo viên. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long Trương Hoàng Giang cho biết, hiện nay, nhờ dữ liệu được kết nối, chia sẻ trên hệ thống dùng chung nên đơn vị chủ động trong khai thác dữ liệu. Các thông số được cập nhật, lưu trữ, sắp xếp khoa học đã tạo nên hệ thống dữ liệu chi tiết theo từng khoảng thời gian mà dự báo viên cần. Nhờ đó, dự báo viên có thể thu thập thông tin từ các trạm quan trắc nhanh chóng. Sau quá trình thu thập, đối chiếu với nhiều yếu tố có liên quan, dự báo viên sẽ đưa ra những bản tin với tính chính xác cao về tình hình mặn, dự báo mức độ và ảnh hưởng trong những khoảng thời gian nhất định.

Theo ông Trương Hoàng Giang, thời gian gần đây, ngành Khí tượng thủy văn đã đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ với những công cụ thiết thực và hiệu quả giúp dự báo nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, để các công cụ này phát huy hiệu quả, người làm công tác dự báo có vai trò quan trọng. Bằng công nghệ và các dữ liệu thu thập được, dự báo viên với kinh nghiệm và sự am hiểu thực địa sẽ đưa ra quyết định về các chỉ số tăng giảm.

Dự báo, độ mặn tại tỉnh Vĩnh Long có thể không quá gay gắt nhưng sẽ duy trì trong thời gian dài. Trên địa bàn sẽ ít có mưa trái mùa và mùa mưa đến muộn hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, tỉnh đã ghi nhận những đợt nắng nóng cao đến sớm và kéo dài. Các yếu tố này có khả năng dẫn đến tình trạng gia tăng mức độ sử dụng nước ngọt, bốc hơi nước, dễ ảnh hưởng đến khả năng điều hòa nồng độ mặn, gây khó khăn trong cung cấp nước sinh hoạt và sử dụng nước của người dân.

Do đó, thời gian tới, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục sử dụng hiệu quả hệ thống công cụ thu thập và phân tích dữ liệu để đối chiếu và đưa ra các thông số chính xác về tình hình xâm nhập mặn, nâng cao năng lực dự báo viên, đưa ra thông tin cảnh báo từ sớm. Đài thường xuyên cập nhật các chuyên đề chuyên sâu về dự báo hạn mặn, cập nhật phương pháp dự báo và mô hình dự báo mới để nâng cao năng lực, đưa ra những bản tin kịp thời, chính xác cung cấp cho ngành chức năng, người dân có những giải pháp ứng phó phù hợp với từng mức độ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm