Để đạt được những kết quả trên, tỉnh Đồng Nai cho rằng, xây dựng nông thôn mới chính là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Nhưng, vấn đề cốt lõi nhất đó là phải được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, phải xây dựng nông thôn mới bằng thế trận lòng dân.
*Phát huy sức mạnh toàn dân
Xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc là một xã thuần nông. Nếu như trước đây trên các cánh đồng xã Lang Minh chỉ canh tác lúa, thì nay địa phương này đã áp dụng mô hình xen canh lúa – ngô với cơ cấu 1 vụ lúa 2 vụ ngô. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ, đến nay các cánh đồng ngô của xã Lang Minh đã cho năng suất cao nhất nhì cả nước, có những vùng đã đạt ngưỡng 12 tấn/ha. \\
Ngày 5/1/2016, tỉnh Đồng Nai tổ chức trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thống Nhất đạt chuẩn huyện nông thôn mới. |
Ông Lý Phát Sinh (xã Lang Minh) cho biết, trước đây, bà con Lang Minh chỉ canh tác lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau này, nhờ huyện chuyển giao các mô hình trồng xen canh ngô và lúa với mục đích vừa cải tạo đất, vừa chuyển đổi mùa vụ phù hợp điều kiện thời tiết, người dân dần ấm no và trù phú. Ông Sinh cho biết, gia đình ông hiện có 8 ha ngô lai, mỗi năm thu lãi khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí đầu vào.
Ông Đỗ Phước Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho hay, chính nhờ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng và mạnh dạn đầu tư hệ thống nước tưới và điện sản xuất kéo xuống đến tận từng cánh đồng, nên năng suất và chất lượng cây trồng ngày càng được nâng cao, đời sống của người dân từng bước khá lên. Khi đời sống người dân khấm khá, họ sẵn sàng đóng góp để làm đường giao thông nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã huy động được 176.248 tỷ đồng vốn phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, nguồn vốn trong nước là 89.555 tỷ đồng và vốn đầu tư nước ngoài là 86.693 tỷ đồng (chủ yếu đầu tư trong các khu công nghiệp thuộc khu vực nông thôn).
Đối với nguồn vốn huy động trong nước, ngân sách chỉ bỏ ra 18.767 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp 29.610 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp gần 25.000 tỷ đồng và vốn tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn là 16.180 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai cho rằng, để tạo được sự đồng thuận trong dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải làm gương và phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân. Theo ông Nhật, bài học về phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong việc huy động sức mạnh của người dân trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Xuân Lộc là một điển hình.
* Đón nhận thành quả
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng tăng cao, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển. Theo đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2011 đến nay đạt 4%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hiện đạt 104 triệu đồng/ha, tăng 21,44% so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đạt gần 38 triệu đồng/người/năm, tăng 66,46% so với năm 2011.
Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc ứng dụng các quy trình canh tác kỹ thuật tiên tiến đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có nhiều tiến bộ. Sau 5 năm triển khai Chương trình GAP, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai đã có 8 mô hình đã được chứng nhận VietGap với diện tích 162,6ha và GlobalGap là 12,3ha, gồm các sản phẩm như rau, chuối, bưởi, ổi, xoài, chôm chôm, mãng cầu xiêm, hồ tiêu. Đặc biệt, Đồng Nai đã nghiên cứu và áp dụng rộng rãi hệ thống tưới nước tiết kiệm và kết hợp bón phân qua đường ống. Mô hình này đã áp dụng được cho nhiều loại cây, trên nhiều địa hình khác nhau, góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian, nhiên liệu, nhân công, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Nông dân ở xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc sử dụng máy bóc tách hạt ngô ngay trên cánh đồng khi thu hoạch ngô. |
Hiện nay, tại các vùng nông thôn trên địa bàn Đồng Nai đã hình thành được hơn 1.000 tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp với diện tích đất sản xuất lên gần 20.000 ha; hình thành trên 147 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới giải quyết cho trên 7.000 lao động thường xuyên và hơn 100.000 lao động thời vụ vùng nông thôn.
Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai cho hay, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, tại các vùng nông thôn đã cải tạo, nâng cấp được hơn 1.800 km đường giao thông nông thôn, 62 công trình cầu, cống phục vụ đi lại tại các xã.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, phong trào toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới được các mặt trận, đoàn thể, chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng. Đặc biệt, người dân vùng nông thôn đã nhận thức sâu sắc, thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình trong việc đóng góp công sức, tiền, đất để đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Để giữ vững và phát huy những kết quả đạt được về xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các ngành, các địa phương; vận động, hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển quốc tế để tăng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới./.