Múa nhảy sạp của người Tày (huyện Tân Phú). Ảnh: dongnai.gov.vn |
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đồng Nai, năm 2003 trên địa bàn toàn tỉnh có 34 đảng viên là người dân tộc thiểu số, đến năm 2018 đã tăng lên 1.425 đảng viên. Nhiều xã vùng đồng bào dân tộc đã thành lập chi bộ đảng của đồng bào dân tộc như xã Phước Bình (huyện Long Thành), xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác và Chương trình hành động số 56-CTr/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai về chương trình dân tộc, đến nay tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định. Việc triển khai các chính sách đối với dân tộc thiểu số đạt được những kết quả quan trọng, diện mạo vùng đồng bào dân tộc ngày càng chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, số lượng đảng viên là người dân tộc tăng cao. Chính nhờ hạt nhân lãnh đạo là đảng viên, cùng các tổ đảng, chi bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng mật thiết, không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự; ngăn chặn được việc tuyên truyền, xuyên tạc, xúi giục của kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, hiện nay 100% các ấp, khu phố trên địa bàn đều có tổ chức đoàn thể và ban công tác Mặt trận. Đến nay toàn tỉnh có 123.800 đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số. Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 có 225 đại biểu là người dân tộc thiểu số…
Đồng Nai hiện có 4 huyện và 87 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Toàn tỉnh có 36 dân tộc thiểu số đang sinh sống với trên 39.600 hộ, khoảng 189.000 nhân khẩu, chiếm 7% dân số của tỉnh. Đồng Nai có 4 dân tộc bản địa gồm Chơ ro, Châu mạ, X’tiêng và Cơ Ho, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh phía Bắc.
Sỹ Tuyên