Dòng điện thay đổi vùng biên tỉnh Kon Tum

Xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đổi thay nhờ có điện lưới quốc gia. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đổi thay nhờ có điện lưới quốc gia. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Kon Tum là tỉnh “ngã ba Đông Dương” bởi có đường biên giới tiếp giáp cả CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia, với 12 xã thuộc bốn huyện Sa Thầy, Đăk Glei, Ngọc Hồi và Ia H’Drai. Những năm qua, ngành điện Kon Tum đã nỗ lực, đưa điện lưới quốc gia về các xã vùng biên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị.

Dòng điện thay đổi vùng biên tỉnh Kon Tum ảnh 1Xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đổi thay nhờ có điện lưới quốc gia. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Mô Rai là xã biên giới duy nhất của huyện Sa Thầy, dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước năm 2004, người dân chưa có điện nên sinh hoạt, sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, đời sống gặp nhiều khó khăn. Xác định vai trò quan trọng của dòng điện, Công ty Điện lực Kon Tum đã triển khai đưa điện về vùng biên Mô Rai, mang ánh sáng đến với người dân nơi đây.

Ông A Rèn, làng Le, xã Mô Rai cho biết, trước đây, khi chưa có điện, mọi sinh hoạt trong gia đình ông đều rất khó khăn. Muốn có ánh sáng, ông cũng như người dân phải sử dụng đèn dầu. Chính vì thế, mọi hoạt động lao động sản xuất đều thủ công, không có sự can thiệp của máy móc nên năng suất. Các thiết bị sử dụng điện như tivi, tủ lạnh và dụng cụ sinh hoạt khác đều xa lạ.

Năm 2008, gia đình được kéo điện, từ đó, kinh tế và đời sống cải thiện rõ rệt. Nhà ông A Rèn đã mua được tivi, tủ lạnh. Mỗi khi có sự cố về điện, các cán bộ xử lý kịp thời nên rất yên tâm, không phải lo lắng - ông A Rèn chia sẻ.

Ông A Yer - Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết, toàn xã hiện có trên 1.500 hộ dân với 5.240 nhân khẩu, sinh sống tại 10 thôn, làng. Trước đây, khi chưa có điện, ngoài những ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân thì việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cũng hạn chế do chưa có các thiết bị nghe nhìn như ti-vi, loa phát thanh,…

Đến năm 2008, khi 100% số hộ dân trên địa bàn đã được cấp điện, người dân biết sử dụng điện vào sản xuất, tưới tiêu nên năng suất tăng. Đến nay, hơn 90% hộ dân trong xã có thiết bị nghe nhìn, giúp việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thuận tiện hơn nhiều.

Năm 2019, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,5 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Cũng nhờ có điện lưới quốc gia, công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã có bước tiến triển mạnh, đạt 10/19 tiêu chí và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030 - ông A Yer cho biết thêm.

Huyện Ia H’Drai là địa phương “trẻ” nhất của tỉnh Kon Tum, được thành lập từ năm 2015, tách ra từ một phần của huyện Sa Thầy. Huyện có ba đơn vị hành chính cấp xã là Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi thì cả ba đều là xã biên giới. Thời điểm mới tách huyện, tỉ lệ người dân được sử dụng điện chỉ đạt 60%. Nguyên nhân chủ yếu là bởi huyện có diện tích rộng, dân cư thưa, sinh sống không tập trung. Cùng đó, tập tính du canh du cư, di dân tự do cũng ảnh hưởng đến quá trình cung cấp điện của Công ty Điện lực Kon Tum.

Ông Ngô Trần Hữu Vương - Đội trưởng Đội quản lý điện tổng hợp Ia H’Drai chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với quản lý, vận hành lưới điện trên địa bàn huyện là đường điện thường phải đi qua các khu vực rừng núi, địa hình hiểm trở. Bên cạnh đó, việc người dân sinh sống thành các cụm dân cư khoảng 5 – 10 hộ dân khiến việc rà soát cũng như đầu tư lưới điện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của ngành điện, đến nay, trên 90% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Ông Võ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết, điện là hạ tầng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo vùng sâu vùng xa và thay đổi diện mạo xã hội vùng nông thôn miền núi. Vì vậy, ngành điện đẩy nhanh tiến độ rà soát các cụm dân cư để đưa dòng điện về với người dân luôn được chính quyền địa phương xem trọng, coi đó là “chìa khóa” để thúc đẩy phát triển.

Dòng điện thay đổi vùng biên tỉnh Kon Tum ảnh 2Nhân viên Công ty Điện lực Kon Tum sửa chữa điện lưới vùng biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Đến nay, 3/3 trung tâm xã và 20/21 thôn của huyện đã có điện lưới quốc gia. Dù mới thành lập song Ia H’Drai đã có những bước tiến đáng kể, tổng giá trị sản xuất từ 652 tỷ đồng năm 2016 tăng lên 1.711 tỷ đồng năm 2019. Đến cuối năm 2019, trung bình 3 xã của huyện đều đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ia H’Drai sẽ trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới - ông Võ Anh Tuấn khẳng định.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Kon Tum, đến nay, ngoài 3 xã của huyện mới Ia H’Drai, 9 xã biên giới còn lại của tỉnh là Mô Rai (huyện Sa Thầy); Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Xú, Bờ Y, Sa Loong (huyện Ngọc Hồi); Đăk Long, Đăk Blo, Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) đều đã đạt tỷ lệ 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của người dân, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Ông Đỗ Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, ngoài việc cung cấp điện cho người dân ở các xã biên giới, hàng năm, đơn vị cũng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân sử dụng điện một cách an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong sinh hoạt và lao động sản xuất.

Trong quá trình cung cấp điện, dù còn gặp nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng, dân cư thưa, trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp... nhưng với quyết tâm của ngành điện, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng người dân, Công ty Điện lực Kon Tum đã cấp điện được tới vùng sâu, vùng xa của 12 xã biên giới.

Hiện toàn tỉnh còn 6 xã chưa đạt tiêu chí số 4 – tiêu chí hệ thống điện trong xây dựng nông thôn mới; trong đó có 3 xã biên giới của huyện Ia H’Drai. Công ty Điện lực Kon Tum đã có phương án phối hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh rà soát các cụm dân cư nhỏ lẻ, tiến tới cung cấp điện lưới quốc gia về cho 100% người dân của huyện Ia H’Drai trong tháng 10/2020, góp phần xây dựng vùng biên giới ổn định, phát triển - ông Đỗ Văn Giáp nhấn mạnh.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm