Cây sắn đã trở thành cây thoát nghèo của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô.
|
Hộ gia đình anh Hồ Khăm Xêng ở thôn Úp Ly 2, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, một trong những triệu phú trồng sắn có thu nhập cao trong vùng. Với diện tích hơn 4,5 ha trồng sắn, trong những năm qua, gia đình anh đã có thu nhập cao, xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu và nuôi các con ăn học. Chỉ tính trong niên vụ 2014, với 150 tấn sắn củ cung cấp cho nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn chăn nuôi bò, dê và trồng ngô.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có hơn 10.600 ha sắn. Trong đó, riêng huyện miền núi Hướng Hóa có 6.500 ha sắn do bà con đồng bào dân tộc trồng. Với sự hỗ trợ của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, bà con rất phấn khởi, khai phá đất đai và từ cây sắn có hàng trăm hộ đã đổi đời, nhà nào cũng có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố, mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu, có giá trị trong gia đình như ti vi, xe máy…
Cây sắn được trồng thành vùng nguyên liệu ở Quảng Trị.
|
Ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cho biết: Trong quá trình phát triển của nhà máy, vấn đề vùng nguyên liệu được đặt lên hàng đầu, vì đảm bảo nguồn nguyên liệu đồng nghĩa với việc ổn định sản xuất của nhà máy. Trong thời gian qua, trước tình hình hạn hán kéo dài, nguy cơ gây tình trạng mất mùa và không phủ được diện tích trồng sắn của bà con, ngay từ đầu vụ sản xuất, nhà máy đã cử cán bộ kỹ thuật đến từng hộ dân hướng dẫn bà con cách bảo quản giống, không những tránh được việc để sắn chết, mà còn chủ động nguồn giống tại chỗ trong sản xuất cho bà con mặc dù thời tiết rất khó khăn. Nhờ đó, qua vụ gieo trồng năm nay, khả năng diện tích và sản lượng sắn tăng từ 5 - 10% so với năm trước.
Hoạt động hơn 10 năm nay, nhà máy đã trực tiếp tạo việc làm ổn định cho hơn 200 công nhân viên của nhà máy, đồng thời gián tiếp tạo sinh kế thu nhập ổn định cho gần 10.000 hộ dân trồng sắn, đặc biệt trong đó có 90% là đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều trong hai huyện ĐaKrông và Hướng Hóa được hưởng lợi.