Đổi thay ở làng định cư người dân tộc thiểu số Bình Phước

Chị Thị Hải (người dân tộc S’tiêng, sống tại khu định canh định cư làng 61) ngoài làm rẫy còn nuôi thêm lợn để tăng nguồn thu nhập. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN
Chị Thị Hải (người dân tộc S’tiêng, sống tại khu định canh định cư làng 61) ngoài làm rẫy còn nuôi thêm lợn để tăng nguồn thu nhập. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

61 hộ người dân tộc, chủ yếu là đồng bào S’tiêng đã được Nhà nước xây nhà, cấp đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Sau gần 10 năm định cư, nay “làng 61” đã thay da đổi thịt, trẻ em được đến trường, nhiều hộ đã vượt khó vươn lên làm giàu.

Cần cù lao động vươn lên

Gia đình anh Điểu Châu (dân tộc S’tiêng, khu định cư 61 ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước) là một trong 61 hộ được hưởng chính sách định canh, định cư của Nhà nước. Sau khi được cấp đất sản xuất và hỗ trợ cây giống, gia đình anh Điểu Châu đã bắt tay vào trồng cao su. Đến nay, ngoài thu nhập từ vườn cao su khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, các thành viên gia đình anh Điểu Châu còn đi cạo mủ thuê với mức thu nhập khoảng 5 triệu/tháng. “Với mức thu nhập này, gia đình tôi đã có của ăn của để, 4 người con đều được đi học. Người con lớn hiện đã đi làm công nhân ở khu công nghiệp có thu nhập cao”, anh Điểu Châu vui vẻ cho biết.

Theo anh Điểu Châu, năm 2012, Nhà nước bố trí định cư, định canh cho các hộ dân người S’tiêng tại ấp Thạch Màng. Sau một năm, những hộ này được xây dựng nhà miễn phí, những con đường được bê tông hóa, điện sinh hoạt được kéo đến tận từng gia đình. “Từ chỗ không có đất, không có nhà, đến nay người S’tiêng đã có tất cả, cuộc sống bà con ấm no, trẻ em được đến trường. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ”, anh Điểu Châu nói.

Chị Thị Hải (dân tộc S’tiêng, khu định cư 61), cho biết mỗi hộ có 7 sào đất để sản xuất. Ngoài thời gian làm rẫy, vợ chồng và những người con lớn nhà chị đi cạo mủ thuê cho các chủ vườn cao su trong khu vực. “Cuộc sống gia đình đến nay đã ổn định, con cái được đi học để biết cái chữ, chúng tôi vui mừng lắm”, chị Thị Hải xúc động chia sẻ.

Đổi thay ở làng định cư người dân tộc thiểu số Bình Phước ảnh 1Chị Thị Hải (người dân tộc S’tiêng, sống tại khu định canh định cư làng 61) thái rau nuôi lợn để tăng nguồn thu nhập. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Khu định cư 61 được huyện Đồng Phú (Bình Phước) xây dựng từ năm 2012, với tổng diện tích 54,7 ha gồm đất ở và đất sản xuất. Việc bố trí định canh, định cư cho các hộ dân tộc thiểu số được thực hiện theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.

“Được Trung ương và các cấp địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư, đến nay hệ thống hạ tầng khu định canh, định cư 61 ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi đã khang trang, đầy đủ. Đường nhựa, điện sinh hoạt, nước sạch nông thôn đã được cung cấp đến từng hộ. Công tác vận động người dân thay đổi phương thức canh tác và nếp sống mới đã được hệ thống chính trị cơ sở thực hiện thường xuyên. Nhờ đó, khu định canh, định cư 61 đã thay da đổi thịt từng ngày”, ông Mai Xuân Long, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi cho biết.

Một chính sách hợp lòng dân

Theo một lãnh đạo địa phương, ấp Thạch Màng là vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Phú. Khu định cư 61 trước đây là khu rừng rậm. Sau gần 10 năm bố trí định canh, định cư cho các hộ người dân tộc thiểu số, nay “làng 61” đã khác.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, khu làng nằm dọc theo tuyến đường trải nhựa rộng rãi, hệ thống điện lưới quốc gia được kéo đến tận từng gia đình. Những hộ người dân tộc thiểu số nơi đây đều được Nhà nước xây tặng một căn nhà cấp 4 khang trang, rộng rãi. Hiện nay, nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh… Một số hộ ngoài làm rẫy còn buôn bán tạp hóa, sửa chữa xe đạp, xe gắn máy. Cuộc sống của người dân ở đây đang ấm no lên từng ngày.

“Cấp ủy và chính quyền xã Tân Lợi đã quyết định chọn ấp Thạch Màng và “làng 61” thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021. Hiện nay, các tổ tư vấn về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, hạ tầng đã được thành lập để cùng với người dân bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi Mai Xuân Long cho biết.

Đổi thay ở làng định cư người dân tộc thiểu số Bình Phước ảnh 2Làng định canh, định cư 61 ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước). Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Để chăm lo đời sống của người dân khu định cư 61 và ấp Thạch Màng, từ năm 2014, huyện Đồng Phú đã đầu tư xây dựng 11 km đường giao thông với kinh phí 4,4 tỷ đồng, xây dựng hệ thống nước sạch và nhà sinh hoạt cộng đồng với kinh phí 600 triệu đồng.

Nguồn vốn từ Chương trình 33 của Chính phủ đã hỗ trợ xây dựng 6,3 km đường nhựa vào khu định cư 61 với kinh phí 11 tỷ đồng…

Một cán bộ địa phương cho biết, nhờ được Nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tập huấn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đào tạo nghề, đồng bào dân tộc thiểu số khi đến khu định canh, định cư mới đã từng bước thích nghi với đời sống mới, cách làm, cách nghĩ mới. Nhiều hộ đã thoát nghèo, một số hộ đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

“Việc bố trí định canh, định cư cho những hộ người dân tộc nghèo không có nhà, không có đất, không có việc làm giúp họ ổn định cuộc sống là một chính sách hợp lòng dân. Không những thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến những người yếu thế, đặc biệt là hộ người dân tộc còn khó khăn, đó còn là tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái của dân tộc ta”, một cán bộ địa phương cho biết.

Sỹ Tuyên - K GửiH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm