Vẻ đẹp ruộng bậc thang bản Pù Nhung, xã La Pán Tẩn .Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Ông Giàng Chứ Ly, nguyên Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn, tham gia “cuộc cách mạng” xóa bỏ cây thuốc phiện ở La Pán Tẩn ngay từ những ngày đầu, nhớ lại: Thuốc phiện khi đó là nguồn kinh tế chính, được sử dụng, tiêu thụ hợp pháp, thậm chí còn được dùng làm sính lễ trong cưới hỏi, là vật trao đổi có giá trị trong đời sống, sinh hoạt.
Thầy giáo hướng dẫn học viên tập viết tại lớp học xóa mù chữ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN |
Vừa tất bật với việc giám sát ngôi nhà sàn đang xây để làm dịch vụ du lịch homestay, ông Giàng Chứ Ly vui mừng cho biết, từ khi thoát khỏi màn khói mộng mị của thuốc phiện, La Pán Tẩn đang thay da đổi thịt từng ngày. Việc học hành của con em được quan tâm hơn, vụ Đông Xuân cũng được chú trọng nên không còn thiếu đói như trước. Dù vẫn còn nhiều hộ nghèo nhưng trong xã cũng có nhiều gia đình đang từng bước vươn lên làm kinh tế. Những ruộng bậc thang thuốc phiện khi xưa nay đã được thay thế bằng lúa, ngô, cải dầu, thảo quả… No ấm dần hiện hữu trên mảnh đất dù vẫn còn nhiều gian khó này.
Hình ảnh học viên nữ đem con nhỏ đến lớp khá phổ biến tại các lớp học. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN |
Từ khi về nghỉ hưu, ông Ly trở thành gương sáng ở bản, ở xã trong phát triển kinh tế gia đình. Là một trong những người có uy tín của xã, ông Ly luôn đi đầu trong việc tìm hướng đi mới trong làm ăn, cùng vận động bà con làm theo để thoát nghèo. Với 10 con trâu, bò; hơn 5.000 m2 cải dầu; vườn thảo quả mỗi năm cho thu hoạch hơn 10 triệu đồng; mỗi vụ lúa, ngô đều cho 5-6 tấn… tổng thu nhập một năm từ sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Ly là hơn 100 triệu đồng.
Khách du lịch nước ngoài giao lưu với dân bản Pù Nhung, xã La Pán Tẩn. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Anh Hảng A Lồng, bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, cho biết: Ngoài trồng lúa, năm nay anh Lồng đã đưa hơn 1.000 m2 đất lúa một vụ vào trồng cải dầu. Cải dầu không chỉ cho hạt mà còn tạo cảnh quan đẹp, vào mùa hoa cải sẽ thu hút nhiều du khách.
Ông Hảng Xáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn chính là người đầu tiên khởi xướng phát triển dịch vụ homestay nhằm giúp bà con trong xã phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống, cũng là để giúp du khách hiểu hơn về nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông ở La Pán Tẩn.
Ông Chông vui mừng cho biết, toàn xã La Pán Tẩn hiện có 750 hộ dân với khoảng gần 5.000 nhân khẩu. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, chiếm 99% và sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống của người dân ở đây đã thay đổi, đường bê tông vào đến tận bản; trạm xá, trường học, trụ sở, nhà cộng đồng đều được xây mới khang trang. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn khoảng 65%, dù vẫn còn cao nhưng đó là một kỳ tích khi mà trước kia tất cả các hộ dân trong xã đều thuộc diện hộ nghèo./.