Những ngôi nhà sàn của người Thái được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.Nguồn danvan.vn |
Có dịp đến các thôn bản trên địa bàn tỉnh không khó để được nhìn thấy những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái. Không bề thế, đồ sộ như nhà xây của người Kinh, không có dáng vẻ vững chãi như nhà trình tường của người Mông, Hà Nhì,… nhà sàn Thái mang một nét đẹp riêng biệt, đơn sơ nhưng cũng không kém phần sang trọng. Đặc biệt nhất là kiến trúc không gian.
Một ngôi nhà sàn đang được xây dựng tạị bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu)
|
Ông Tòng Văn Phủ - dân tộc Thái, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết, người Thái thường chọn vị trí cao ráo, thoáng mát để làm nhà. Trong thiết kế, xây dựng nhà sàn truyền thống, theo quan niệm số lẻ tượng trưng cho sự vận động phát triển đi lên còn số chẵn tượng trưng cho sự tĩnh tại, người Thái cố tình tạo ra những số lẻ với mong ước về một cuộc sống có nhiều điều may mắn, tốt đẹp. Số bậc trên chiếc cầu thang nhà sàn thường là 5 bậc, 7 bậc, 9 bậc; cửa sổ và cửa đi lại bao giờ cũng là 5 hoặc 7; số đòn tay trên mái nhà sàn có rất nhiều nhưng số lượng đòn tay ở hai mái không bao giờ bằng nhau. Số gian trong nhà cũng luôn là số lẻ. Nhà sàn Thái thường có hai cầu thang thì nếu nhìn chính diện thì chiếc cầu thang ở mặt sau, bên trái là cầu thang phụ dành, còn cầu thang chính ở đầu nhà bên phải. Từ bếp đến hết cầu thang chính có một khoảng không gian để thờ tổ tiên và cột thiêng.
Một điểm độc đáo nữa mà nói như ông Thùng Văn Được ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) thì dù ngôi nhà lớn cỡ nào, bao nhiêu gian thì trong xây dựng cũng không dùng đến một chiếc đinh hay mẩu sắt mà chỉ đơn thuần cấu trúc bởi nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như gỗ, tre, vầu. Người Thái rất giỏi nghề mộc nên nếu người Kinh dùng đinh để cố định các chỗ nối, ghép, thì người Thái dùng lạt tre, giang, mây. Nếu người Kinh lắp mộng thắt để nối các cột kèo thì người Thái dùng những đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ đục của các cột. Do có sự cân đối, tính toán chắc chắn nên dù có vẻ thô sơ nhưng các ngôi nhà sàn lại rất chắc chắn, có thể chống chọi với gió, bão. Vì thế, có nhiều ngôi nhà sàn tồn tại từ đời này qua đời khác, ngôi nhà ông đang ở cũng được xây dựng trên 40 năm.
Trong ngôi nhà sàn Thái truyền thống, các vị trí có sự quy định rõ ràng. Giữa 2 hàng cột chính chạy song song trong nhà là khoảng không gian rộng dành cho sinh hoạt chung. Nơi ở của các thành viên được sắp xếp theo thức tự. Đầu tiên là gian dành cho con trai chưa vợ, khách nam, tiếp đến là vợ chồng gia chủ; vợ chồng con trai cả; vợ chồng con trai thứ 2, thứ 3. Trong nhà chưa có con dâu thì sau gian ngủ của chủ nhà, gian ngủ của con cái theo thứ tự từ lớn đến bé, từ nam đến nữ; vợ chồng con gái và con rể ở gian cuối cùng. Mỗi gian ngủ như vậy được phân chia một cách tương đối, ngăn khoảng cách bằng những chiếc màn bằng vải chàm màu đen.
Khu vực gầm sàn là một khoảng không gian khá rộng với nhiều tiện ích. Trước đây gầm sàn là nơi nhốt gia súc, gia cầm còn hiện nay thì gầm sàn thường để thóc, lúa, nông sản; cất giữ phương tiện đi lại; làm sân chơi cho trẻ em và để khung cửi dệt vải…
Trước sự giao thoa của văn hóa, trong quá trình phát triển, người Thái đã cải tiến kỹ thuật để tạo ra các kiểu nhà sàn đẹp đẽ và bề thế. Ở nhiều nơi, nhất là thị trấn, thị tứ, nhà sàn lợp gianh nay được thay bằng ngói; lát nền sàn bằng vầu thì nay thay bằng gỗ; phần gầm sàn được xây tường che kín…Tuy nhiên, về cơ bản thì vẫn giữ được những nét độc đáo, riêng biệt, nhất là, cấu trúc không gian ngôi nhà. Đây là nét đẹp cần gìn giữ, phát huy.