Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh Điện Biên

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phan Tuấn Anh – TTXVN
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phan Tuấn Anh – TTXVN

Ngày 26/8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Điện Biên về việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011 - 2020.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh Điện Biên ảnh 1 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Giai đoạn 2011 - 2020, Điện Biên đã triển khai thực hiện 129 nhiệm vụ khoa học (trong đó có 11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Bộ, 9 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi…). Tại 4 lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, xã hội – nhân văn, an ninh – quốc phòng, y tế tỉnh đã thực hiện tổng cộng 128 đề tài, dự án với kinh phí trên 72 tỷ đồng.

Là tỉnh miền núi đặc thù nên trong số các nhiệm vụ đã triển khai, Điện Biên đã ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới với một số đề tài nổi bật như: "Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phát triển sản xuất Thanh long tại vùng lòng chảo Điện Biên", "Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Tầm trong lồng bè tại hồ thủy lợi Pe Luông huyện Điện Biên", "Nghiên cứu giải pháp tăng vụ cho cánh đồng Mường Thanh"...

Qua 10 năm, hoạt động khoa học công nghệ của địa phương có nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trình độ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sản xuất từng bước được nâng lên. Cơ chế, chính sách tài chính cho khoa học công nghệ được đổi mới theo hướng đa dạng hóa nguồn đầu tư. Các đề tài, dự án trong lĩnh vực xã hội – nhân văn đã góp phần bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn, phục vụ phát triển du lịch, góp phần cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2020 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, sự phối hợp giữa các ngành, cấp trong hoạt động khoa học và công nghệ còn thiếu chặt chẽ. Việc lồng ghép giữa các dự án khoa học và công nghệ với các chương trình kinh tế - xã hội đạt hiệu quả chưa cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học được đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Kết quả hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công tác xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa thu hút được đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiến nghị, đề xuất Chính phủ, bộ ngành liên quan kéo dài chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định 1747/QĐ-TTG ngày 13/10/2015 đến năm 2030 để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh miền núi khó khăn, chậm phát triển. Chính phủ, các bộ ngành có chính sách thu hút, khuyến khích cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao công tác tại các tỉnh miền núi, khó khăn; tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ cho tỉnh được triển khai, thụ hưởng các nhiệm vụ thuộc các chương trình cấp Bộ, cấp Nhà nước nhằm tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận những kết quả mà tỉnh Điện Biên đã đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai 2011-2020. Địa phương đã thực hiện một cách bao quát, bám sát tình hình thực tế. Đặc biệt, là tỉnh biên giới, có vị trí an ninh, quốc phòng quan trọng, Điện Biên đã thực hiện được nhiều đề tài liên quan đến công tác phòng chống tội phạm môi trường. Trong 10 năm qua, cơ cấu đề tài được tỉnh Điện Biên thực hiện tương đối toàn diện, mục tiêu đều hướng đến phục vụ vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới. Tỉnh đã chú trọng bố trí nguồn lực cho khoa học, công nghệ; triển khai, nhân rộng được nhiều mô hình điển hình, hiệu quả cao...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Điện Biên cần có những đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn để Chính phủ, Bộ ngành liên quan sớm tháo gỡ "nút thắt", "điểm nghẽn" giúp địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị tỉnh Điện Biên triển khai nhân rộng các mô hình, đề tài đã phát huy hiệu quả gắn với việc nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng của địa phương; đồng thời lưu ý tỉnh Điện Biên phải xác định khoa học công nghệ là phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung, đẩy mạnh đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất đối với vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, địa phương cần quan tâm, tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông bởi đây cũng là yếu tố then chốt đưa khoa học kỹ thuật đến được vùng sâu, vùng xa.

Với các ý kiến kiến nghị, đề xuất khác của tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết sẽ tổng hợp gửi tới Chính phủ xem xét, giải quyết.

Tuấn Anh - Xuân Tiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm