Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo - TTXVN |
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đánh giá cao những kết quả tỉnh An Giang thực hiện về công tác dân tộc và được thể chế hóa cụ thể thông qua các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh. Theo ông Bùi Tuấn Quang, mặc dù An Giang còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã làm rất tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo bộ mặt nông thôn mới, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban vận Trung ương, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương Bùi Tuấn Quang cũng đề nghị thời gian tới tỉnh An Giang cần tập trung phát triển kinh tế, nhất là ở những lịch vực tỉnh có thế mạnh như: du lịch, nông nghiệp…, qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; quan tâm, hỗ trợ, giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới, nhất là vấn đề về đất sản xuất, nhà ở, vấn đề sinh kế, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Công Mạo - TTXVN |
Đặc biệt, An Giang cần chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thật vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời chủ động giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nảy sinh, nhất là trong đối tượng thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc tại địa phương theo đúng quy định pháp luật; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, củng cố và phát huy vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, tạo sự gắn kết bền chặt giữa ý Đảng - lòng dân.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo - TTXVN |
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết, An Giang hiện có khoảng trên 2,1 triệu người, đứng thứ 6 cả nước và đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long với 4 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Thực hiện Nghị quyết 24 và Chỉ thị số 45 của Trung ương về công tác dân tộc, những năm qua, tỉnh An Giang đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, chính sách phát triển xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số… Nhờ đó bộ mặt kinh tế - xã hội vùng dân tộc của tỉnh đã và đang có sự thay đổi rõ nét. Đến nay, các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phủ khắp hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế; trên 96% số hộ dân được sử dụng hệ thống điện và hơn 85% số hộ dân được sử dụng nước sạch...
Tuy nhiên, tác động của việc thực hiện chính sách về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, giúp vùng dân tộc thiểu số phát triển một cách bền vững.
Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên nhân cơ bản là do điều kiện kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số có xuất phát điểm thấp, còn mang nặng tính tự cung tự cấp, đặc biệt là về kinh tế. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào tự nhiên và luôn chịu tác động của biến đổi khí hậu nên đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, An Giang là tỉnh đông dân, vị trí địa lý cách xa các trung tâm lớn, phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp; kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với vùng dân tộc, biên giới địa phương còn nhiều yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kêu gọi đầu tư. Việc triển khai các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đòi hỏi có nguồn vốn nhiều, suất đầu tư lớn; trong khi đó, nguồn vốn phân bổ của Trung ương và nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên việc thực hiện các chính sách dân tộc còn phân tán, thiếu tập trung, hiệu quả chưa cao.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang đề nghị, Trung ương cần sớm sơ kết Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) và Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác dân tộc; đồng thời có Nghị quyết, chính sách mới về công tác dân tộc, tôn giáo sát với điều kiện, tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay. Trong thực hiện, cần tích hợp các chính sách, chương trình liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, từ đó nâng cao tính hiệu quả, phù hợp với điều kiện về kinh tế, văn hóa của từng vùng, từng địa phương./.
Công Mạo
TTXVN